Đà phục hồi của giá cà phê có bền vững?

22/08/2022 17:52 GMT+7
Giá cà phê trong nước tăng mạnh nhưng doanh nghiệp niêm yết trong ngành vẫn ghi nhận kết quả kém khả quan, thậm chí thua lỗ nặng hơn cùng kỳ dưới áp lực từ các chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp,...

Giá cà phê trong nước hôm nay 22/8 đi ngang tại các địa phương thu mua trọng điểm

Giá cà phê hôm nay (22/8) không có biến động mới so với cuối tuần trước. Theo ghi nhận tại các tỉnh trọng điểm trong nước, giá thu mua đang ổn định trong khoảng 48.100 - 48.600 đồng/kg. Khu vực Tây Nguyên đang thu mua cà phê trong khoảng 48.100 - 48.600 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất là 48.100 đồng/kg có mặt tại tỉnh Lâm Đồng. Kế đến là hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông với chung mức giao dịch 48.500 đồng/kg. Tương tự, tỉnh Đắk Lắk cũng giữ nguyên giá thu mua trong hôm nay, tại mức 48.600 đồng/kg. Giá cà phê giao tại cảng TP.HCM đi ngang, dao động ở ngưỡng 52.400 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê thế giới chiều ngày 22/8/2022, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2022 tăng 11 USD/tấn ở mức 2.226 USD/tấn, giao tháng 11/2022 tăng 8 USD/tấn ở mức 2.226 USD/tấn. 

Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2022 tăng 1,25 cent/lb, ở mức 215,95 cent/lb, giao tháng 12/2022 tăng 1,50 cent/lb, ở mức 213,35 cent/lb.

Đà phục hồi của giá cà phê có bền vững? - Ảnh 1.

Giá cà phê hôm nay (22/8) không có biến động mới so với cuối tuần trước. Theo ghi nhận tại các tỉnh trọng điểm trong nước, giá thu mua đang ổn định trong khoảng 48.100 - 48.600 đồng/kg.

Đà phục hồi của giá cà phê có bền vững? - Ảnh 2.

Đà phục hồi của giá cà phê có bền vững? - Ảnh 3.

Giữa tháng 8/2022, lượng tồn kho giảm đã tác động tích cực lên thị trường cà phê toàn cầu. Tuy nhiên, đà phục hồi của giá cà phê thế giới không bền vững. Lo ngại rủi ro tăng cao trước khả năng một cuộc suy thoái toàn cầu có thể diễn ra khiến Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ. 

Trên sàn giao dịch London, ngày 18/8/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9/2022, tháng 11/2022, tháng 1/2023 và tháng 3/2023 tăng lần lượt 8,5%, 8,9%, 9,7% và tăng 9,4% so với ngày 8/8/2022, lên mức 2.217 USD/tấn, 2.224 USD/tấn, 2.206 USD/tấn và 2.180 USD/tấn. Tuy nhiên, so với ngày 16/8/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9/2022, tháng 11/2022, tháng 1/2023 và tháng 3/2023 giảm lần lượt 1,7%, 1,8%, 1,5% và giảm 1,4%.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 18/8/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 9/2022, tháng 12/2022, tháng 3/2023 và tháng 5/2023 tăng lần lượt 3,8%, 3,9%, 4,1% và 4,4% so với ngày 8/8/2022, lên mức 217,45 Uscent/lb, 214,4 Uscent/lb; 210,15 Uscent/lb và 207,55 Uscent/lb. Tuy nhiên, so với ngày 16/8/2022, giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 9/2022, tháng 12/2022, tháng 3/2023 và tháng 5/2023 giảm lần lượt 3,6%, 3,2%, 3,0% và giảm 2,9%.

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 18/8/2022 giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 9/2022, tháng 12/2022, tháng 3/2023 và tháng 9/2023 tăng lần lượt 2,5%, 3,9%, 4,4% và tăng 5,0% so với ngày 8/8/2022, lên mức 260,5 Uscent/lb, 261 Uscent/ lb, 257,3 Uscent/lb và 246,7 Uscent/lb. Tuy nhiên, so với ngày 16/8/2022, giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 9/2022, tháng 12/2022, tháng 3/2023 và tháng 9/2023 giảm lần lượt 2,4%, 2,6%, 3,3% và giảm 3,2%. 

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.272 USD/ tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, tăng 174 USD/tấn (tương đương mức tăng 8,3%) so với ngày 8/8/2022.

Nhìn chung giá cà phê đã suy yếu trong cả tuần trước do tác động của USD tăng mạnh, khiến các tiền tệ mới nổi mất giá làm giảm sức mua và lo ngại rủi ro tăng cao. Tâm trạng tồi tệ này đã góp phần cùng với các yếu tố như lo ngại về lãi suất ở Mỹ, sự suy giảm kinh tế ở Trung Quốc và lạm phát ở châu Âu, khiến giá cả hàng hóa sụt giảm.

Chỉ đến cuối tuần qua, giá cà phê hai sàn điều chỉnh tăng nhẹ trở lại do báo cáo tồn kho tại sàn ICE Europe – London tiếp tục sụt giảm và sau khi nhà tư vấn hàng đầu HedgePoint Global Market đưa ra dự báo ước tính niên vụ 2022/2023 tiêu thụ toàn cầu sẽ tăng 1,9% và do đó, toàn cầu chỉ dư thừa 0,3 triệu bao, thay vì dư thừa gần 7 triệu bao theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), do sản lượng giảm ở Việt Nam, Colombia, Honduras.

Giá cà phê tăng phiên cuối tuần trước còn do giới đầu cơ cân đối tất toán sổ sách kinh doanh trong tuần. Ngoài ra còn là ngày hết hạn thực hiện hợp đồng quyền chọn để chuẩn bị bước vào ngày thông báo đầu tiên (FND) của giao hàng tháng 9 trên cả hai sàn (ngày 24/8).

Doanh nghiệp niêm yết trong ngành vẫn ghi nhận kết quả kém khả quan

Những ngày giữa tháng 8/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa đã tăng lên mức cao kỷ lục 48.600 – 49.100 đồng/kg (ngày 16/8/2022), sau đó giảm liên tiếp trong 2 ngày sau đó, xuống còn 47.900 – 48.400 đồng/kg, tuy nhiên, so với ngày 8/8/2022, giá vẫn tăng mạnh 3.400 đồng/kg.

Trong báo cáo tháng 7, Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) tiếp tục giữ nguyên dự báo về nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 ở mức 167,2 triệu bao, giảm hơn 2,1% so với niên vụ trước. Đồng thời tiêu thụ dự báo tăng 3,3% lên mức 170,3 triệu bao. Thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao trong niên vụ 2021-2022.

Đà phục hồi của giá cà phê có bền vững? - Ảnh 4.

Mặc dù vậy, một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vẫn khá lạc quan về tình hình tiêu thụ thời gian tới khi thế giới đang phục hồi sau Covid-19, nhu cầu lớn trong khi nguồn cung giảm.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục chịu tác động từ xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu và báo cáo kinh tế Mỹ suy thoái, GDP quý II/2022 suy giảm quý thứ hai liên tiếp, mức giảm 0,9%.

Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, sản lượng cà phê năm 2022 thấp hơn năm 2021 do năng suất thấp. Sản lượng cà phê niên vụ 2021-2022 đạt 1,5 triệu tấn (hơn 95% sản lượng là cà phê robusta), thấp hơn so với 1,62 triệu tấn trong niên vụ 2020-2021.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay đạt hơn 1,1 triệu tấn, trị giá 2,5 tỷ USD, tăng 17,3% về lượng và tăng 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong tháng 7 xuất khẩu cà phê có sự chùng xuống khi chỉ đạt 113.852 tấn, giảm 17,1% so với tháng trước và giảm 6,8% so với cùng kỳ.

Trong tháng 7, giá cà phê Robusta trong nước mặc dù có thời điểm giảm xuống mức thấp 40.800 - 41.300 đồng/kg (ngày 15/7/2022), tuy nhiên giá có xu hướng tăng dần. Đà tăng vẫn kéo dài đến giữa tháng 8. Trong phiên giao dịch ngày 15/8, giá cà phê trong nước đã tăng vọt lên mức 48.000 – 48.500 đồng/kg, thậm chí có nơi giá đã cán mốc 49.000 đồng/kg, tăng 1.200 đồng/kg so với ngày trước đó và tăng hơn 6.000 đồng/kg so với cuối tháng trước.

Giá cà phê trong nước tăng mạnh nhưng doanh nghiệp niêm yết trong ngành vẫn ghi nhận kết quả kém khả quan, thậm chí thua lỗ nặng hơn cùng kỳ dưới áp lực từ các chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp,...

Đơn cử, Cà phê Phước An (Mã: CPA) có quý thứ 4 liên tiếp thua lỗ. Doanh thu thuần quý II vừa qua đạt 51 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ. Giá vốn cũng tăng với mức cao nên lãi gộp chỉ còn 528 triệu đồng, bằng 30% quý năm ngoái. Trừ các chi phí, công ty lỗ sau thuế 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 200 triệu đồng. Đây cũng là quý thứ tư liên tiếp công ty thua lỗ.

Hay Cà phê Thắng Lợi (Mã: CFV), áp lực nợ vay đè nặng lên lợi nhuận. Giài thích về mức lỗ hơn 3 tỷ đồng so với khoản lãi 1 tỷ đồng cùng kỳ, CFV cho biết doanh thu thuần tăng 21% lên 129 tỷ nhờ sản lượng tăng, nhưng giá mua nguyên liệu đầu vào biến động liên tục, tăng 22% so với quý II năm ngoái nên tác động đến lợi nhuận gộp của công ty. Thêm nữa, công ty phải chịu chi phí lãi vay gấp 2,5 lần cùng kỳ dẫn tới thua lỗ.

Cà phê Gia Lai (Mã: FGL) cũng có doanh thu giảm mạnh do đã bán hết lượng cà phê trong niên vụ. Doanh thu thuần của Cà phê Gia Lai trong quý II chỉ đạt 24 triệu đồng, so với con số cùng kỳ là 4,4 tỷ đồng. Nguyên nhân công ty đưa ra là đã bán hết số lượng cà phê niên vụ 2021 – 2022 trong quý IV. Trong khi đó, công ty phải chịu chi phí lãi vay hơn 1,7 tỷ đồng do ký các hợp đồng vay vốn cá nhân mới, chi phí quản lý doanh nghiệp 1,2 tỷ nên lỗ sau thuế 3,3 tỷ đồng, còn cùng kỳ lỗ gần 5 tỷ đồng.

Theo Cục Xuất nhập khẩu trong quý III/2022, Việt Nam vẫn còn khoảng 500 nghìn tấn cà phê để xuất khẩu. Dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời tiết nắng nóng tại Âu Mỹ khiến người tiêu dùng hạn chế tiêu thụ cà phê. Thêm vào đó, các hãng kinh doanh cà phê thường nghỉ hè từ cuối tháng 7 đến hết tháng 8 hàng năm, nên sức mua hàng thực đang giảm mạnh. Chính vì vậy, giá cà phê trên hai sàn sẽ được điều khiển bởi giới đầu tư tài chính, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tiền tệ, lạm phát… 

Phải cho đến tháng 10 giá cà phê mới có phần nào theo yếu tố cung cầu vì bấy giờ Brazil vào mùa mưa. Nếu như gặp hạn hán hay một yếu tố thời tiết bất ngờ nào đó, giá có thể sẽ mạnh hơn vì năm 2023 Brazil quay về chu kỳ năm mất mùa. Thị trường cũng chuẩn bị chào đón niên vụ mới của Việt Nam. Nhờ thời tiết khá thuận lợi, nhiều người tin rằng năm nay, hàng cà phê Việt Nam sẽ ra sớm hơn các năm trước. Mặc dù vậy, một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vẫn khá lạc quan về tình hình tiêu thụ thời gian tới khi thế giới đang phục hồi sau Covid-19, nhu cầu lớn trong khi nguồn cung giảm. Giá cà phê xuất khẩu có thể cán mốc 2.400 – 2.600 USD/tấn trong năm 2022 và đà tăng có thể kéo dài đến năm 2023...


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục