Giá cà phê nội địa khó có thể giảm sâu trong 1 tháng tới
Giá cà phê nội địa neo cao, tiến gần mốc kỷ lục 50.000 đồng/kg
Giá cà phê nội địa trong ngày 19/8 ghi nhận đà suy yếu nhẹ với mức giảm 100 đồng/kg. Hiện tại, giá đang dao động trong khoảng 47.800 – 48.300 đồng/kg tuỳ từng khu vực. Tuy nhiên, giá cà phê trong nước vẫn đang dao động quanh mức cao trong vòng 6 năm qua.
Giá cà phê trong nước hôm nay cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk là 48.300 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 47.700 đồng/kg. Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch hôm nay giá cà phê ở Lâm Đồng giảm 100 đồng/kg, tại Bảo Lộc, Lâm Hà ở mức 47.800 đồng/kg, tại Di Linh ở ngưỡng 47.700 đồng/kg.
Giá cà phê tại Đắk Lắk giảm 100 đồng/kg, cụ thể ở tại Cư M'gar ở mức 48.300 đồng/kg, tại Buôn Hồ giá cà phê ở ngưỡng 48.200 đồng/kg. Giá cà phê tại Gia Lai giảm 100 đồng/kg, giá ở Pleiku là 48.200 đồng/kg, và Ia Grai giao dịch quanh mức 48.200 đồng/kg.
Giá cà phê tại Đắk Nông giảm 100 đồng/kg, dao động ở ngưỡng 48.200 đồng/kg. Giá cà phê tại Kon Tum giảm 100 đồng/kg, dao động ở mức 48.200 đồng/kg. Giá cà phê giao tại cảng TP.HCM giảm 100 đồng/kg, dao động ở ngưỡng 52.200 đồng/kg.
Trên thế giới, giá cà phê cũng giảm. Giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2022 giảm 2 USD/tấn ở mức 2.215 USD/tấn, giao tháng 11/2022 giảm 6 USD/tấn ở mức 2.218 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2022 giảm 2,75 cent/lb, ở mức 214,7 cent/lb, giao tháng 12/2022 giảm 2,55 cent/lb, ở mức 211,85 cent/lb.
Thị trường cà phê thế giới tiếp tục có phiên điều chỉnh giảm thứ 3 liên tiếp. Giá cà phê thể hiện sự tiêu cực trước lo ngại rủi ro tăng cao khi nền kinh tế Trung Quốc có khả năng suy thoái nhiều hơn nữa, do khủng hoảng bất động sản và chính sách “Zero Covid” tiếp tục đè nặng lên thị trường hàng hóa nói chung.
Tính đến ngày 15/8, tồn kho cà phê Robusta trên sàn London đã giảm thêm 1.910 tấn, tức giảm 1,91% so với một tuần trước đó, xuống ở mức 98.180 tấn (tương đương 1.636.334 bao, bao 60 kg), trong khi tồn kho ICE US trên sàn New York vẫn đứng ở mức thấp 23 năm và không ghi nhận có sự bổ sung nào.
Tuy nhiên từ đầu tuần đến nay, tồn kho đạt chuẩn Arabica bắt đầu tăng trở lại. Đây là nguyên nhân khiến giá Arabica giảm mạnh hơn Robusta những ngày vừa qua. Trong khi đó nguồn hàng thật có sẵn nội địa của Brazil và Việt Nam được ghi nhận không còn nhiều. Nông dân tiếp tục giữ hàng để chờ giá tăng cao hơn mới có động thái xuất hàng.
Trước đó, đầu tháng 8/2022, giá cà phê Robusta trên sàn giao dịch London tăng, giá cà phê Arabica trên sàn New York giảm. Giá cà phê Robusta trên sàn giao dịch London tăng do tồn kho giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ cà phê giá rẻ có xu hướng tăng khi thu nhập giảm và lạm phát tăng cao.
Báo cáo tồn kho Robusta tại ICE – Europe ngày 2/8/2022 cho thấy lượng cà phê đưa về sàn London đăng ký đã giảm thêm 517 tấn (giảm 0,5%) so với tuần trước đó, xuống ở mức 102.290 tấn (1.704.833 bao, bao 60 kg) và vẫn đang tiếp tục giảm. Trong khi đó, Reuters dự báo Việt Nam sẽ thu hoạch 30 triệu bao trong niên vụ 2022/2023, giảm nhẹ so với niên vụ 2021/2022.
Trên sàn giao dịch London, ngày 9/8/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9/2022 và tháng 11/2022 cùng tăng 1,4% so với ngày 29/7/2022, lên mức 2.043 USD/tấn và 2.042 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 1/2023 và tháng 3/2023 cùng tăng 1,0% so với ngày 29/7/2022, lên mức 2.011 USD/tấn và 1.993 USD/tấn.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.098 USD/ tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, tăng 28 USD/ tấn (tương đương mức tăng 1,3%) so với ngày 29/7/2022.
Dự báo giá cà phê Robusta thế giới sẽ tiếp tục xu hướng biến động mạnh trong thời gian tới. Căng thẳng địa chính trị tại châu Á đã dịu bớt, trong khi giá dầu thô giảm về dưới mức 100 USD/thùng khiến đầu cơ dịch chuyển dòng vốn sang các hàng hóa phái sinh khác giúp giá cà phê có thể hưởng lợi.
Những ngày đầu tháng 8/2022, giá cà phê Arabica giảm do thị trường chịu áp lực đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 9, buộc các Quỹ và các nhà đầu cơ trên thị trường kỳ hạn phải đẩy mạnh thanh lý.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 8/8/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 9/2022 và tháng 5/2023 giảm lần lượt 4,1% và 4,0% so với ngày 29/7/2022, xuống còn 209,45 Uscent/lb và 198,85 Uscent/lb; kỳ hạn giao tháng 12/2022 và tháng 3/2023 cùng giảm 3,8% so với ngày 29/7/2022, xuống còn 206,4 Uscent/lb và 201,95 Uscent/lb.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 8/8/2022 giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 9/2022 và tháng 12/2022 cùng giảm 3,6% so với ngày 29/7/2022, xuống còn 254,05 Uscent/lb và 251,25 Uscent/lb; kỳ hạn giao tháng 3/2023 và tháng 9/2023 giảm lần lượt 4,9% và 4,3% so với ngày 29/7/2022, xuống còn 246,5 Uscent/lb và 235,05 Uscent/lb.
Giá cà phê nhiều khả năng sẽ khó có thể giảm sâu...
Những ngày đầu tháng 8/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa biến động mạnh. Trong các ngày từ 1 – 5/8/2022, giá cà phê được duy trì ổn định quanh mức 44.000 – 44.500 đồng/kg và tăng lên mức 44.400 – 44.900 đồng/ kg vào ngày 6/8/2022, nhưng ngay sau đó giảm mạnh 900 đồng/kg vào ngày 8/8/2022, xuống còn 43.500 – 44.000 đồng/kg.
Theo dữ liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong nửa đầu tháng 8 năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt mức 48.829 tấn, giảm khoảng hơn 17% so với cùng kỳ tháng trước đó. Trong 4 tháng trở lại đây, xuất khẩu cà phê của Việt Nam liên tục giảm do sản lượng thu hoạch đầu năm thấp hơn 120.000 tấn so với năm ngoái. Tuy nhiên, luỹ kế cho đến hết ngày 15/8, xuất khẩu đạt hơn 1,18 triệu tấn, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng cả về trị giá xuất khẩu. Điều đó khiến nguồn cung trong nước thu hẹp hơn và đẩy giá cà phê trong nước liên tục tăng cao.
Trước đó, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 7/2022, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 113,85 nghìn tấn, trị giá 261,7 triệu USD, giảm 17,1% về lượng và giảm 17% về trị giá so với tháng 6/2022, so với tháng 7/2021 giảm 6,8% về lượng, nhưng tăng 11,7% về trị giá. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,13 triệu tấn, trị giá 2,56 tỷ USD, tăng 17,3% về lượng và tăng 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 7/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam tăng tháng thứ 2 liên tiếp, đạt mức 2.299 USD/tấn, tăng 0,2% so với tháng 6/2022 và tăng 19,6% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.261 USD/tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 7/2022 so với tháng 7/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang nhiều thị trường chủ lực giảm, trong khi xuất khẩu sang Tây Ban Nha, Nga, Philippines tăng. 7 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Philippines, Angieria giảm. Trong đó, xuất khẩu cà phê sang Bỉ và Anh tăng trưởng 3 con số; xuất khẩu sang Tây Ban Nha, Nga, Anh tăng trưởng 2 con số.
Dữ liệu doanh số bán lẻ Mỹ tháng 7 mới được công bố cho thấy sự ổn định, khi chi tiêu cá nhân tăng lên giúp thị trường bớt lo ngại Mỹ không phải rơi vào suy thóai kinh tế. Tuy nhiên thị trường vẫn đặt cược cho đà tăng lãi suất tiếp theo của Fed với hơn 50% dự đoán mức tăng là 0,75%. Vì thế, đồng USD tiếp tục là điểm đến trú ẩn ưa thích của dòng tiền. Điều này khiến hàng hóa nói chung, cà phê trên cả 2 sàn đều chịu ảnh hưởng và không thể duy trì đà tăng.
Hiện chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa là Việt Nam kết thúc niên vụ 2021-2022, trong khi sản lượng đang được dự kiến sẽ ở mức thấp hơn so với niên vụ trước. Do đó, bất chấp lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại trên thế giới làm hạn chế nhu cầu tiêu thụ, giá cà phê nhiều khả năng sẽ khó có thể giảm sâu.
Việt Nam đang tích cực mở rộng xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc để tăng kim ngạch cho toàn ngành. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trị giá nhập khẩu cà phê của Trung Quốc trong tháng 6/2022 đạt 54,43 triệu USD, tăng 1% so với tháng 5/2022 và tăng 8,7% so với tháng 6/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu cà phê của Trung Quốc đạt 252,82 triệu USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu nguồn cung 6 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc tăng nhập khẩu cà phê từ các thị trường Etiopia, Malaysia, Ý, nhưng giảm từ Việt Nam, Brazil. Cụ thể: Trị giá nhập khẩu cà phê của Trung Quốc từ Etiopia trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 42,46 triệu USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cà phê của Etiopia trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 10,22% trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 16,79% trong 6 tháng đầu năm 2022. Ngược lại, Trung Quốc giảm nhập khẩu cà phê từ Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 với mức giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt xấp xỉ 28,25 triệu USD. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 14,07% trong 6 tháng đầu năm 2021 xuống 11,17% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Về dài hạn, cơ hội cho các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam khai thác thị trường Trung Quốc rất lớn. Thông tin từ https:// www.statista.com cho biết, niên vụ cà phê 2021/22, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 4,2 triệu bao cà phê (bao 60 kg). Trong khi đó, sản lượng cà phê của Trung Quốc đạt khoảng 2 triệu bao. Cà phê hòa tan tại thị trường Trung Quốc đang chiếm ưu thế nhờ tính năng sử dụng tiện lợi. Sự phát triển của Trung Quốc, lối sống thay đổi và sự chấp nhận của người tiêu dùng Trung Quốc đối với các xu hướng văn hóa mới cũng đang góp phần làm tăng nhu cầu về cà phê hòa tan ở nước này. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam nên chú trọng phân khúc cà phê hòa tan bởi thị trường cà phê hòa tan tại Trung Quốc đang phát triển rất rõ rệt.