Đại biểu Quốc hội: "Không được hạ chuẩn chung cư mini khiến đời sống dân xuống mức tối thiểu"

26/10/2023 12:07 GMT+7
Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, chung cư mini là sản phẩm không có luật nào quy định cả. Tuy nhiên, những cái diễn ra rồi, phải khắc phục đưa vào quy chuẩn chung của chung cư.

Áp tiêu chuẩn chung cư nói chung cho chung cư mini

Ông Cường khẳng định, giải pháp nhà ở cho người thu nhập thấp không phải là phát triển chung cư mini. Không nên làm những nhà thật nhỏ, thấp bé và mất an toàn để cho người thu nhập thấp vì như vậy, chúng ta đặt đời sống của người thu nhập thấp ở dưới mức tối thiểu của xã hội.

Trao đổi với báo chí tại hành lang Quốc hội ngày 26/10 tại Hà Nội, PGS, TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội chia sẻ về giải pháp khắc phục tình trạng nhà chung cư mini đã bùng phát mạnh tại nhiều đô thị lớn và hậu quả xảy ra đau lòng khi tại (Thanh Xuân), TP. Hà Nội vụ cháy chung cư đã khiến hơn 56 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương.

Đại biểu Quốc hội: "Không được hạ chuẩn chung cư mini khiến đời sống dân xuống mức tối thiểu" - Ảnh 1.

PGS, TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội

Ông Cường cho rằng, trong các luật hiện nay, không có luật nào quy định về chung cư mini cả. Thực tế nhà chung cư mini là do người dân có đất, tự xây chưng cư mini và bán lại nên gọi đó là chung cư mini. 

Với các vấn đề đang đặt ra, đại biểu Cường cho rằng: Chung cư mini cần điều chỉnh 2 vấn đề. Thứ nhất là sửa chữa, cảo tạo theo tiêu chuẩn của chung cư với những dự án đã xây dựng rồi. 

"Nhà chung cư mini đã được xây dựng, bán trao tay cần rà soát phải xem xét có cấp phép, thiết kế chưa? Chúng ta đã có quy chuẩn nhà ở rồi, cần áp dụng chính sách ở đây. Nếu chung cư mini nào sau rà soát, không đảm bảo quy chuẩn, thì bản thân nhà đầu tư đó phải sửa chữa để có nơi thoát hiểm, nơi vui chơi, sinh hoạt công cộng", ông Cường nói.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng: Trách nhiệm đầu tiên để xảy ra chung cư mini không đúng, đủ điều kiện, quy chuẩn là các chủ đầu tư. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý phê duyệt không đúng, không chắc chắn cũng cần phải xử lý về mặt hành chính.

"Đây không phải chấp nhận sửa sai mà phải xác định chung cư mini đã diễn ra rồi phải khắc phục để đảm bảo đời sống người dân, điều kiện tối thiểu cho đời sống", ông Cường nhấn mạnh.

Theo ông Cường, không thể và không nên hợp thức hoá nhà chung cư mini và cho đây là giải pháp nhà ở cho người thu nhập thấp. 

"Giải pháp không phải là phát triển chung cư mini mà phải có kế sách để người thu nhập thấp có nhiều tiền lên, xây dựng nhà ở giá rẻ hơn vay mua, thuê mua cho người dân. Không nên làm nhà thật nhỏ, thấp, bé và mất an toàn để cho người thu nhập thấp vì như vậy, chúng ta đặt đời sống của họ dưới mức tối thiểu", đại biểu Cường nói.

Về giải pháp dài hạn về chính sách, PGS Hoàng Văn Cường cho rằng, tại Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi lần này, Điều 57, đưa quy định cá nhân xây dựng nhà ở 2 tầng trở lên mà mục tiêu bán, bán trả góp hay thuê mua buộc phải lập dự án xây dựng nhà chung cư. Khi lập dự án nhà chung cư, từ đó cơ quan Nhà nước phải phê duyệt quy chuẩn về kết cấu, phòng chống cháy nổ và cả kể việc môi trường sinh thái và không gian công cộng của người dân về đó khi đó mới được xây dựng.

Bên cạnh đó, nếu xây dựng 2 tầng trở lên, nhưng dành một số rất nhỏ (dưới 20 phòng cho thuê, không bán), người dân mới được tự xây dựng, nhưng vẫn phải có thiết kế, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, từ đó mới quản lý chặt chẽ. 

Ai phản biện nếu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây nhà ở "chất lượng thấp" cho công nhân

Liên quan đến nội dung còn nhiều tranh luận khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam muốn tham gia làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng: Hiện có hai luồng ý kiến, tổng liên đoàn tham gia vào xây dựng nhà ở xã hội đó là có thể gia tăng thêm nguồn cung nhà ở cho người lao động. 

Đại biểu Quốc hội: "Không được hạ chuẩn chung cư mini khiến đời sống dân xuống mức tối thiểu" - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội)

"Tôi cũng thấy có ý kiến rằng cần tỉnh đến khi Tổng Liên đoàn đại diện cho người lao động, lại tự mình là người đứng ra cung cấp nhà ở cho người lao động, nếu giả sử sản phẩm không tốt, ai sẽ là người đứng ra phản biện?", ông Cường nói.

Theo vị này, như vậy, vô hình chung vừa cung cấp, lại vừa giám sát thì không đảm bảo khách quan. Trong khi nếu giao cho cơ quan độc lập, rõ ràng Tổng Liên đoàn có vai trò giám sát, đại diện cho người lao động nói lên tiếng nói của mình nên tính toán, cân nhắc, không nên vì các bên cung cấp không tốt, không đủ mà Tổng Liên đoàn đứng ra làm thay.

"Đã là nhà ở xã hội, chính sách phải là nhà nước, phải có nguồn vốn lớn của Nhà nước để huy động. Đương nhiên, Nhà nước có thể dùng các công cụ chính sách để huy động như đơn vị kinh doanh nhà ở. Ví dụ chúng ta có quy định, dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hôi. Chúng ta không cần thiết phải ra áp dụng khiên cưỡng mà nên thay thế bằng đóng góp tiền 20% này vào Quỹ phát triển nhà ở xã hội để khoản tiền đó, để xây dựng nhà ở xã hội độc lập", Đại biểu Cường nhấn mạnh.

Cũng góp ý về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho rằng, nếu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư xây nhà ở cho công nhân thì chỉ nên dùng cho thuê, chứ không bán. Bởi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một tổ chức chính trị và không thể nào có chức năng kinh doanh được. 

"Việc lo công nhân, xây dựng nhà ở cho công nhân là điều tốt. Tuy nhiên, phải xác định rõ nguồn vốn từ đâu. Nếu nguồn vốn từ Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ có hơn 3.000 tỷ đồng, thì đủ để đảm đương, đảm bảo cho việc xây dựng nhà ở cho công nhân? Do vậy, vẫn cần đến nguồn Ngân sách nhà nước, theo đó, sẽ do UBND cấp tỉnh đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân". 

Đại biểu Phạm Văn Hòa tán đồng xây dựng nhà ở lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp, thuận tiện cho công nhân sinh hoạt và làm việc thuận lợi. Tuy nhiên, việc xây dựng phải có quy hoạch rõ ràng, tách bạch giữa cơ sở kinh doanh, cơ sở sản xuất với nhà ở để tránh mất vệ sinh, mất an toàn.

Theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, việc xây dựng nhà ở thương mại cũng phải tính đến yếu tố ở các thành phố đặc biệt, loại 1, loại 2… để UBND thành phố dành nguồn quỹ đất, đầu tư cơ sở hạ tầng để xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp: "Tôi tán thành việc xây dựng tách bạch một bên là nhà ở thương mại với nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng vẫn đảm bảo cơ sở hạ tầng cần thiết".

Với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hoà kiến nghị, nên có thời hạn sở hữu, thời hạn sử dụng nhà chung cư theo quy hoạch, theo thiết kế và tư vấn được phê duyệt. 

"Thiết kế phê duyệt 100 năm thì thời hạn sử dụng nhà chung cư cũng phải như vậy. Không như một số ý kiến cho rằng, sở hữu nhà chung cư là có quyền sở hữu đất và sở hữu nhà. Mà đất theo Luật đất đai là sở hữu vĩnh viễn. Trong khi, nhà chung cư có những yếu tố về xuống cấp, sử dụng theo tư vấn thiết kế công trình…", đại biểu Phạm Văn Hoà nói.

An Linh
Cùng chuyên mục