Dịch Covid-19 thổi bùng căng thẳng, Trump thất cử là cơ hội duy nhất cho quan hệ Mỹ Trung?
Đại dịch Covid-19 thúc đẩy căng thẳng thương mại toàn cầu
Đầu năm nay, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã lắng dịu sau khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới ký kết thỏa thuận giai đoạn 1. Còn Washington, Brussels và Tokyo cũng thống nhất các quy tắc chung hạn chế trợ cấp nhà nước, thiết lập môi trường thương mại toàn cầu bình ổn. Nhưng đó là trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Sự bùng phát đại dịch đã khiến các quốc gia trên toàn cầu lập tức áp đặt hạn chế xuất khẩu với 222 mặt hàng vật tư, thiết bị y tế, và thậm chí cả thực phẩm, nguồn tin của Global Trade Alert cho hay. Những hạn chế đang được dỡ bỏ phần nào, nhưng các động thái của chính phủ trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát đã đặt ra câu hỏi lớn rằng chuỗi cung ứng toàn cầu có thể ảnh hưởng ra sao đến nhu cầu được chăm sóc sức khỏe thiết yếu của người dân, đe dọa thế nào đến an ninh lương thực và thị trường lao động.
Đại dịch Covid-19 lan rộng ra toàn cầu nhanh chóng gây ra sự leo thang căng thẳng giữa các quốc gia. Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngừng tuyên bố ông muốn cắt đứt quan hệ với Trung Quốc. Mỹ cũng rút khỏi các cuộc đàm phán với EU về thuế kỹ thuật số, đồng thời đe dọa áp thuế trừng phạt nhiều mặt hàng EU như ô-liu, rượu gin, bánh…. để trả đũa cuộc tranh chấp kéo dài 16 năm nay về các khoản trợ cấp hàng không. Còn Liên minh Châu Âu EU thì đang lên kế hoạch tăng cường rào cản với hoạt động đầu tư của các công ty Trung Quốc do nhà nước hậu thuẫn. Bắc Kinh cũng tăng thuế nhập khẩu yến mạch Úc lên 80,5% sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch Covid-19.
Cựu giám đốc thương mại của EU, bà Cecilia Malmstrom cũng bày tỏ sự quan ngại rằng đại dịch Covid-19 có nguy cơ thổi bùng làn sóng chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới và làm tái xuất hiện các xung đột thương mại vốn đã lắng dịu trước đó.
Hôm 23/6, Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cảnh báo kim ngạch thương mại toàn cầu có nguy cơ sụt giảm kỷ lục trong năm nay do những hạn chế kiểm dịch của các quốc gia nhằm chống lại sự lây lan dịch Covid-19. Đơn cử như Trung Quốc mới đây vừa tuyên bố dừng nhập khẩu thịt, gia cầm từ một số nhà máy có công nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Mỹ và Đức. Các thương nhân Trung Quốc cũng đã ngừng nhập khẩu cá hồi Châu Âu sau khi virus được phát hiện trên một thớt chế biến cá hồi ở chợ buôn Xinfadi - ổ dịch mới bùng phát tại Bắc Kinh hồi tháng này.
Tất nhiên, vẫn có những tín hiệu sáng trong thương mại quốc tế.
Mỹ và Trung Quốc vừa có cuộc đối thoại cấp cao tại Hawaii, trong đó quan chức Bộ Chính trị Trung Quốc Yang Jiechi tuyên bố Bắc Kinh đang thúc đẩy tăng cường nhập khẩu hàng hóa dịch vụ Mỹ theo đúng cam kết trong thỏa thuận giai đoạn 1.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và EU cũng đã gặp gỡ hồi tuần trước, dù Brussels chỉ trích Bắc Kinh trong vụ bùng phát dịch Covid-19 cũng như dự luật an ninh mới với Hồng Kông. Trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ, Trung Quốc đã kêu gọi EU nới lỏng kiểm soát xuất khẩu, đổi lại Bắc Kinh sẽ mở cửa thêm 7 lĩnh vực mới để cho phép các nhà đầu tư EU tiếp cận thị trường.
Các quan chức cấp cao EU và Mỹ cũng đang xúc tiến đàm phán 3 tuần một lần, theo nguồn tin của Reuters.
Joe Biden đắc cử là “cơ hội duy nhất” cho quan hệ Mỹ Trung?
Rohinton Medhora, chủ tịch Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế (Canada) nhận định: “Thương mại là cánh cửa mở ra sự hợp tác cần thiết giúp các nền kinh tế phục hồi”.
Cả Trung Quốc và Châu Âu đều đang chuẩn bị cho một mối quan hệ căng thẳng nếu Trump tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ tới. Ông Zhu Feng, trưởng khoa nghiên cứu quốc tế tại Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) cho biết: “Joe Biden đắc cử là cơ hội duy nhất cho mối quan hệ Mỹ - Trung lấy lại cân bằng”. Nhưng ông không kỳ vọng quan hệ giữa hai bên sẽ được cải thiện trong thời gian ngắn, bởi lưỡng đảng Mỹ trong thời gian qua đã bày tỏ sự ủng hộ rộng rãi việc mạnh tay với Bắc Kinh.
Còn thành viên trong Nghị viện Châu Âu Reinhard Buetikofer thì cho hay: “Tôi không kỳ vọng Biden sẽ ôn hòa với Châu Âu (nếu ông này đắc cử)”. Nguyên nhân là do tâm lý thương mại đã thay đổi ở nhiều bang của Mỹ, không chỉ riêng Washington. Dữ liệu của Mỹ chỉ ra thâm hụt thương mại với EU trong năm 2018 đã lên tới 109 tỷ USD. “Cân bằng lại mối quan hệ với Châu Âu, bao gồm quan hệ thương mại là lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ” - trích lời ông Hosuk Lee-Makiyama, giám đốc bộ phận tư duy thương mại ECIPE.