Đại gia ngoại chạy đua gom cổ phần Vinamilk bất thành

31/08/2020 06:35 GMT+7
Sau nhiều lần gom thêm cổ phiếu Vinamilk không thành công, hai cổ đông lớn F&N Dairy Investments và Platinum Victory vẫn tiếp tục đăng ký giao dịch mua vào.

Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) ngày 28/8 cho biết không mua được bất kỳ cổ phiếu Vinamilk nào trong lô 225.000 cổ phiếu đăng ký. SIC là công ty con của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), cổ đông lớn nhất tại Vinamilk với tỷ lệ sở hữu 36% vốn điều lệ.

Miệt mài đăng ký gom cổ phiếu

Trước đó 2 ngày, quỹ Platinum Victory cũng thông báo không mua được bất cứ cổ phiếu Vinamilk nào sau khi đăng ký gom 17,4 triệu đơn vị (1% vốn Vinamilk). Đây là quỹ thuộc Jardine Cycle & Carriage (JC&C), một tập đoàn đầu tư đa ngành ở Singapore. JC&C là công ty con của Jardin Matheson Group có trụ sở tại Hong Kong.

Ngay sau đó, cổ đông ngoại đang sở hữu 10,6% cổ phần Vinamilk lại đăng ký mua tiếp cổ phiếu doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam với số lượng như cũ. Giao dịch mới của Platinum Victory dự kiến diễn ra từ 1/9 đến 30/9.

Tương tự Platinum Victory, cổ đông F&N Dairy Investments thuộc tập đoàn ThaiBev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, đăng ký gom 17,4 triệu cổ phiếu Vinamilk nhưng số lượng mua được bằng 0.

F&N Dairy Investments cũng tiếp tục đăng ký mua 17,4 triệu cổ phiếu Vinamilk từ 19/8 đến 17/9. Nhóm cổ đông Thái Lan F&N hiện nắm giữ 20,4% vốn Vinamilk. Đây là cổ đông lớn thứ hai tại doanh nghiệp sữa thống trị thị trường Việt Nam.


Cơ cấu cổ đông VinamilkSCICSCICNhóm F&NNhóm F&NPlatinum VictoryPlatinum VictoryCổ đông khácCổ đông khácPlatinum Victory 

Cả SIC, Platinum Victory và F&N Dairy Investments đều đưa ra lý do "điều kiện thị trường không phù hợp" để giải thích việc mua bất thành cổ phiếu Vinamilk.

Trong khi cổ đông Nhà nước SCIC mới nhập cuộc, F&N Dairy Investments và Platinum Victory liên tục đăng ký gom cổ phần Vinamilk hơn 2 năm qua nhưng hiếm khi thành công cũng với lý do như trên. Sau mỗi lần mua vào thất bại, hai đại gia ngoại này lại thông báo tiếp tục gom cổ phiếu Vinamilk với số lượng đơn vị như cũ.

Sau lần mua thành công 6,6 triệu cổ phiếu Vinamilk vào tháng 3/2018, nhóm cổ đông Thái Lan phải mất 2 năm mới gom được thêm 6,6 triệu đơn vị vào tháng 3-4 năm nay. Còn lần gần nhất quỹ Platinum Victory mua thêm được cổ phiếu Vinamilk diễn ra vào tháng 7/2018 với số lượng 129.000 đơn vị.

Vinamilk có thêm thị phần

Sau 6 tháng đầu năm, Vinamilk ghi nhận doanh thu 29.650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.860 tỷ, lần lượt tăng 7% và 3% so với cùng kỳ 2019. Nếu so với kế hoạch 2020, Vinamilk hoàn thành 50% chỉ tiêu doanh thu và 55% mục tiêu lợi nhuận sau nửa chặng đường.


tỷ đồngKết quả kinh doanh bán niên của VinamilkNguồn: Báo cáo tài chính doanh nghiệpDoanh thu thuầnLợi nhuận sau thuế6T 20176T 20186T 20196T 2020010k20k30k40k

Trong báo cáo cập nhật ngành sữa giữa tháng 8, SSI Research cho rằng Vinamilk giành thêm thị phần trong thời kỳ dịch bệnh. Nhận định này dựa trên tốc độ tăng trưởng doanh thu nội địa của Vinamilk (+2,5%) và công ty con Mộc Châu Milk (+9,7%) cao hơn nhiều so với nhiều công ty trong ngành chẳng hạn như Vinasoy (-6%).

Báo cáo đánh giá thị trường sữa trong nước nhìn chung ít chịu tác động bởi đại dịch Covid-19. Nielsen thống kê sữa chiếm 12% tổng tiêu thụ hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020, không thay đổi so với cùng kỳ 2019. Nhu cầu sản phẩm sữa trong nước giảm 4% về giá trị còn mức tiêu thụ của toàn thị trường FMCG sụt giảm 7,3%.

Với giả định không có thêm đợt giãn cách xã hội trên toàn quốc trong nửa cuối năm, chuyên gia phân tích của SSI Research ước tính Vinamilk sẽ tăng trưởng 8% về doanh thu và 5,5% về lợi nhuận năm 2020.

Nhìn về triển vọng năm 2021, báo cáo nhận định dù sữa là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhu cầu của phân khúc khách hàng thu nhập thấp vẫn có thể bị ảnh hưởng do tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch lên thu nhập của người lao động tự do, vùng nông thôn nặng nề hơn.

Do đó, người tiêu dùng sẽ nhạy cảm hơn với giá trong giai đoạn 2020-2021. Giá bán trung bình cho các sản phẩm sữa hiện tại theo đó có thể sẽ không tăng trong năm tới. Quá trình thực hiện chiến lược cao cấp hóa sản phẩm của các doanh nghiệp có khả năng chậm lại.

Dựa trên giả định kịch bản cơ sở Covid-19 sẽ được kiểm soát vào giữa năm 2021; không có thêm đợt giãn cách xã hội trên toàn quốc; tiêu thụ sữa vẫn ổn định với tăng trưởng một chữ số, chuyên gia của SSI Research dự báo Vinamilk có thể giành thêm thị phần nhờ vào sản phẩm đa dạng và hệ thống phân phối rộng khắp.


Cơ cấu doanh thu Vinamilk theo kênh phân phốiNguồn: SSI Research, VNMGTGTMTMTKey AccountsKey AccountsCửa hàng riêngCửa hàng riêng


Tăng trưởng doanh thu của Vinamilk tại thị trường trong nước năm 2021 có thể đạt 6% trong khi doanh thu thị trường nước ngoài ước tính tăng 5% so với 2020. Lợi nhuận ròng của Vinamilk dự kiến tăng trưởng ổn định gần 9% trong năm tới.

Hiện tại, Vinamilk và nhiều doanh nghiệp sữa lớn trong nước đã có giấy phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây được đánh giá là một yếu tố tích cực khi xuất khẩu trở thành động lực quan trọng hơn để thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, ngay trên chính sân nhà, Vinamilk nói riêng và ngành sữa nội nói chung dù đang thống lĩnh thị trường vẫn phải dè chừng sự cạnh tranh từ các thương hiệu sữa ngoại. Hiệp định thương mại tự do EVFTA sẽ loại bỏ các mức thuế 5-20% đối với các sản phẩm sữa Châu Âu trong vòng 3-5 năm tới.

Vinamilk rót thêm gần 1.000 tỷ vào công ty con ở Lào

Vinamilk tăng vốn đầu tư tại Công ty Lao-Jargo thêm 41 triệu USD. Đây là liên doanh phát triển trang trại chăn nuôi, trồng trọt các sản phẩm hữu cơ tại Lào của Vinamilk.

Việt Đức/Zing
Cùng chuyên mục