“Đại gia” xây dựng lao dốc, thị trường bất động sản trống vắng nguồn cung

19/07/2019 13:02 GMT+7
Báo cáo kinh quý II/2019 của Conteccons cho thấy, kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Những công bố mới đây từ nhiều phía như CBRE, JLL hay Savills, dường như cũng đang dự báo về một thị trường BĐS ảm đạm cho tới cuối năm 2019. Việc thị trường BĐS có sự chững lại sẽ là khiến các doanh nghiệp xây lắp càng “lâm vào thế khó”.

Kết quả gây thất vọng nhất của Conteccons

Mới đây, Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) công bố báo cáo tài chính quý II/2019 với kết quả gây “sốc” khi nhìn vào doanh thu và lợi nhuận.

Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons - Mã chứng khoán HOSE: CTD

Theo báo cáo quý II, Coteccons đạt doanh thu thuần trên 5.788 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do mảng xây dựng giảm sút. Lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt 156 tỷ đồng, giảm tới 71% so với quý 2/2018.

Sau 6 tháng đầu năm 2019, Coteccons đạt doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 393 tỷ đồng, giảm tương ứng 20% và 55% so với 6 tháng 2018.

Trước đó,  lợi nhuận quý 1 của Coteccons đạt 237 tỷ đồng, đây là mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Thông thường, quý 1 là thời điểm doanh thu và lợi nhuận các công ty xây dựng như Coteccons ở mức thấp nhất trong năm. Sang quý 2 nhưng lợi nhuận của Coteccons thậm chí còn thấp hơn quý 1 và tiếp tục chạm đáy về lợi nhuận.

Lợi nhuận của Coteccons giảm mạnh do việc chậm tiến độ xây dựng tại một số dự án lớn, trong đó có một dự án Đại đô thị mà công ty là nhà thầu xây dưng. Mặt khác, công ty cũng không ký được thêm nhiều hợp đồng xây dựng dự án bất động sản mới từ đầu năm đến nay.

Theo như kết quả trên, “đại gia” xây dựng Coteccons mới chỉ hoàn thành được 37% kế hoạch doanh thu và 24% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2019.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông diễn ra đầu năm, Công ty Xây dựng Coteccons đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu và lợi nhuận giảm nhẹ so với năm ngoái. Công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần là 27.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 1.300 tỷ đồng.

Mới đây, ngày 9/7, ông Phan Huy Vĩnh đã từ nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc Coteccons sau nhiều năm gắn bó tại doanh nghiệp này. Ông Vĩnh đã làm việc Coteccons từ năm 2004 với vị trí chỉ huy trưởng, Giám đốc khối xây lắp.

Nguồn cung BĐS quý II ảm đạm

Theo CBRE, trong quý II/2019, tại Hà Nội, số lượng dự án mới mở bán giảm mạnh. Số lượng căn hộ mở bán mới là khoảng 7.000 căn, chỉ bằng 50% so với 2 quý trước đó và chủ yếu tập trung ở phía Tây và phía Đông thành phố. Còn tại TP. HCM, có tổng cộng 4.124 căn hộ được chào bán từ 10 dự án, giảm 7% theo quý và giảm 34% theo năm.

Báo cáo của JLL Việt Nam cho rằng nguồn cung căn hộ trong quý II ở 2 thị trường này đạt mức thấp kỷ lục kể từ năm 2014. Cũng tương tự, Savills Việt Nam cũng có nội dung lượng căn hộ mở bán trong quý II ở 2 thị trường Hà Nội và TP HCM cùng sụt giảm.

Hoạt động kinh doanh bất động sản quý II/2019 ở mức thấp

Báo cáo cập nhật kinh tế Việt nam quý II/2019 của Công ty chứng khoán SSI với tiêu đề "Tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng” cho thấy, hoạt động kinh doanh bất động sản quý II tăng 4,3%, mức thấp nhất 3 quý và cũng thấp hơn so với cùng kỳ (4,56%).

Nguyên nhân sự sụt giảm này được cho là, trước đây có nhiều dự án đầu tư theo kiểu phong trào, không xuất phát từ nhu cầu phát triển thực tế đô thị. Thậm chí nguồn lực để phát triển dự án cũng không có; không ít dự án được cấp đất nhưng không thực thi.

Chính phủ cũng đẩy mạnh rà soát, đánh giá, phân loại dự án bất động sản và thận trọng hơn trong việc phê duyệt, cấp phép dự án mới đã ảnh hưởng mạnh đến kế hoạch ra hàng của nhiều chủ đầu tư.

Bên canh đó, tín dụng bất động sản được kiểm soát chặt chẽ hơn khiến việc tiếp cận vốn vay của cả chủ đầu tư lẫn khách hàng mua nhà đều khó khăn cũng làm cho lượng dự án mở bán trong quý II vừa qua và dự kiến cả trong năm 2019 hạn chế hơn.

Nhóm nghiên cứu của SSI cho rằng, "Cũng không loại trừ khả năng nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, Hong Kong giảm quan tâm đến thị trường bất động sản Việt nam vì lý do kinh tế”.

Những khó khăn trên của thị trường bất động sản sẽ càng làm khó không chỉ chính thị trường này mà cũng làm khó cho các công ty xây dựng như Coteccons. Điển hình như việc, hồi tháng 4/2019, tại TP. HCM, Coteccons cũng thừa nhận không ký được hợp đồng nào trong vòng 4 tháng.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Thành viên HĐQT CTCP Xây dựng Coteccons cũng đã từng chia sẻ, “Thị trường BĐS trầm lắng căng thẳng đánh trực tiếp vào đơn vị thi công”.

Có lẽ những im ẳng của thị trường bất động sản trong thời gian qua cũng là một nguyên nhân lớn khiến Coteccons hứng chịu nhiều chỉ số sụt giảm sâu đến như vậy. Các dự án chậm phê duyệt, bị rà soát kiểm soát chặt chẽ, nỗi lo từ siết tín dụng bất động sản không chỉ còn là câu chuyên của riêng thị trường bất động sản mà nó còn là “miếng ăn” của chính các doanh nghiệp xây lắp.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục