Dân Ấn Độ tẩy chay hàng Trung Quốc vì căng thẳng biên giới, Xiaomi vẫn bình yên vô sự

26/06/2020 12:42 GMT+7
Cho đến nay, cuộc xung đột Trung Quốc - Ấn Độ hiện chưa gây ra tác động nào đến nhà sản xuất smartphone Trung Quốc Xiaomi.
Dân Ấn Độ tẩy chay hàng Trung Quốc vì căng thẳng biên giới, Xiaomi vẫn bình yên vô sự - Ảnh 1.

Dân Ấn Độ tẩy chay hàng Trung Quốc vì căng thẳng biên giới, CEO Xiaomi vẫn khẳng định không ảnh hưởng đến doanh siis

“Trong 6 năm qua, Xiaomi Ấn Độ đã xây dựng một doanh nghiệp với văn hóa địa phương vững mạnh”, trích lời ông Manu Kumar Jain, CEO Xiaomi khu vực Ấn Độ. “Đội ngũ nghiên cứu và phát triển của chúng tôi đặt ở Ấn Độ. Đội ngũ sản xuất cũng nằm tại Ấn Độ. Phần lớn smartphone và TV của chúng tôi được sản xuất ở Ấn Độ. Đa số linh kiện có nguồn gốc nội địa. Phần lớn đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp cũng đặt tại Ấn Độ. Cho đến lúc này, chúng tôi chưa thấy tác động đáng kể nào (của xung đột biên giới Trung - Ấn) đến hoạt động kinh doanh, cả về doanh số và nhu cầu người tiêu dùng” - ông Manu Kumar Jain nói thêm.

Xiaomi hiện là nhà sản xuất smartphone hàng đầu thị trường Ấn Độ, nắm giữ khoảng 30% thị phần, theo dữ liệu từ Counterpoint Research. Công ty nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng ngoài Samsung thì 4/5 nhà sản xuất smartphone hàng đầu tại Ấn Độ đều là các công ty Trung Quốc.

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và New Delhi đã leo thang trong những tuần gần đây do xung đột biên giới ở khu vực dãy Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Lâu nay, hai quốc gia vẫn thỉnh thoảng xảy ra tranh chấp tại khu vực biên giới kéo dài 3.500km. Cuộc đụmg độ tại vùng biên giới Ladakh, Himalaya đối diện Tây Tạng mới đây là lần xung đột tồi tệ nhất kể từ năm 2017 đến nay. Dù chính phủ hai nước đang thúc đẩy nỗ lực ngoại giao để xoa dịu mâu thuẫn, nhưng nhiều cuộc khảo sát chỉ ra tình cảm của người dân Ấn Độ với các sản phẩm, thương hiệu có nguồn gốc Trung Quốc đang ngày một xấu đi. Nhiều nhãn hàng thậm chí bị dân Ấn Độ kêu gọi tẩy chay.

Thậm chí, hồi đầu tháng 6, Google đã phải gỡ bỏ một ứng dụng tìm diệt app Trung Quốc có tên Remove China App sau khi app này được chia sẻ rộng rãi và nhanh chóng lọt top app phổ biến nhất tại thị trường Ấn Độ với hơn 1 triệu lượt tải xuống trong vỏn vẹn 10 ngày kể ra mắt..

Về phần mình, Xiaomi đã phải thực hiện chiến dịch quảng bá với logo Made in India bên ngoài các store, cửa hàng bán lẻ vì lo sợ bị dân Ấn Độ tẩy chay. Hãng này cũng yêu cầu các nhân viên quảng bá tại cửa hàng ngừng sử dụng đồng phục chung của thương hiệu Xiaomi. 

CEO Manu Kumar Jain thừa nhận Xiaomi đã phải đối diện với một số phản ứng dữ dội của người dân trên các phương tiện truyền thông bao gồm cả mạng xã hội, nhưng điều đó chưa ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của công ty. 

Nhiều nguồn tin của Reuters cho hay Ấn Độ đang lên kế hoạch áp thuế nhập khẩu cao song song với các rào cản thương mại khác để hạn chế 300 sản phẩm từ Trung Quốc và các nước khác vào thị trường này. Kế hoạch được xem xét từ trước khi cuộc đụng độ biên giới nổ ra. Được biết, đây là nước đi mới của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tăng cường sức cạnh tranh, qua đó thúc đẩy nền kinh tế Ấn Độ tự lực, tự chủ.

Nhưng theo CEO Manu Kumar Jain, mức thuế cao không ảnh hưởng nhiều đến Xiaomi vì 99% smartphone đang phân phối trên thị trường Ấn Độ được sản xuất tại chính quốc gia này. “Nếu bạn xem xét số lượng linh kiện chúng tôi nhập khẩu từ bên ngoài, bạn sẽ thấy giá trị của nó thực sự thấp. Do đó, ngay cả khi chính phủ áp bất kỳ mức thuế nhập khẩu bổ sung nào, nó không tác động nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng tôi”.

Tuy nhiên, Manu Kumar Jain không phủ nhận đại dịch Covid-19 đã gây ra mối lo ngại lớn cho Xiaomi, khi 7 nhà máy sản xuất của hãng đều nằm ở Ấn Độ. Việc chính phủ Ấn Độ phong tỏa quốc gia nhiều tháng trời do đại dịch đã khiến các nhà máy thiếu nhân lực trầm trọng từ khâu sản xuất, kho vận cho đến giao hàng. Tính đến nay, Ấn Độ báo cáo ít nhất 473.000 ca nhiễm Covid-19 và chưa có dấu hiệu kiểm soát thành công đại dịch.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục