Dắt díu đàn con rời quê, người phụ nữ thoát nghèo nhờ trồng cói trên rừng

05/04/2020 07:00 GMT+7
Cây cói vốn là loài cây thường sinh trưởng ở khu vực cuối sông, đầu biển, nơi đất và nước bị nhiễm mặn. Thế nhưng, có một người phụ nữ ở Quảng Nam đã làm được việc gần như không tưởng, đó là đưa cây cói… lên rừng canh tác.

 Xuất phát từ thành phố Tam Kỳ, sau gần 2 giờ đồng hồ vượt qua quãng đường gần 100 cây số, cuối cùng chúng tôi cũng vào được xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Sông Trà là xã miền núi còn nhiều khó khăn, dân cư thưa thớt, người dân sinh sống chủ yếu nhờ sản xuất nông nghiệp. Vào đến xã, hỏi đường đến nhà bà Oanh “cói”, hầu như ai cũng biết. Căn nhà của bà nằm trên một con dốc nhỏ, giản dị như bao căn nhà khác trong xóm. Thế nhưng, câu chuyện “khởi nghiệp” của người phụ nữ nông dân có nụ cười chất phác này thì thật đáng khâm phục.

Bà Vũ Thị Oanh quê gốc ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Gần 20 năm về trước, do cuộc sống khó khăn, chồng bà vào Quảng Nam làm ăn rồi không may qua đời. Khi vào thăm mộ chồng, có người bà con khuyên bà nên vào trong này lập nghiệp. 

Dắt díu 7 người con rời quê hương, người phụ nữ giàu lên nhờ trồng cói trên rừng - Ảnh 1.

Bà Vũ Thị Oanh (ngoài cùng bên trái) đang giới thiệu về các sản phẩm của mình.

Năm 2004, bà Vũ Thị Oanh cùng 7 người con khăn gói, dắt díu nhau rời quê hương vào xã Sông Trà. Những ngày đầu mới vào, con nhỏ nheo nhóc, công ăn việc làm không ổn định, nhà cửa phải đi thuê...khó khăn chồng chất nhiều lúc tưởng có thể đánh gục bà. Nhưng rồi, trong hoàn cảnh ấy ý tưởng khởi nghiệp táo bạo đã đến với người phụ nữ này.

“Quê tôi rất nổi tiếng với nghề trồng cói, dệt chiếu. Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/Vải tơ Nam Định lụa hàng Hà Đông… là câu ca dao mà ai ai cũng biết. Lúc vào Quảng Nam, hành trang của tôi chỉ là kinh nghiệm trồng cói, dệt chiếu...., ngoài ra không còn gì hết”- bà Oanh chia sẻ.

Cây cói vốn chỉ sinh trưởng ở vùng ngập mặn, thế nhưng với kinh nghiệm của mình, bà Oanh nhận thấy, thổ nhưỡng, khí hậu ở Hiệp Đức thuận lợi cho nhiều loại cây trồng phát triển. Điều đó có nghĩa là cây cói cũng có thể sinh trưởng được trên đất này.

Dắt díu 7 người con rời quê hương, người phụ nữ giàu lên nhờ trồng cói trên rừng - Ảnh 2.

Một số sản phẩm của HTX Sông Trà- Nga Sơn Sáu Oanh.

Với ý nghĩ ấy, bà trở về quê, đào mấy bì gốc cói mang vào Quảng Nam trồng thử. Kết quả ngoài mong đợi. Nhờ kinh nghiệm chăm sóc, những cây cói đầu tiên mà bà trồng tại Sông Trà không chỉ sinh trưởng, phát triển tốt, mà còn cho ra sợi cói nhỏ, chắc và đanh hơn so với sợi cói trồng ở vùng nước mặn. Từ đó, bà thuê đất, mở rộng dân diện tích trồng cói, từ 1-2 sào lên 1-2 ha. Cây cói phủ xanh một vùng đồi núi, bước đầu mở đường cho kế hoạch khởi nghiệp của người phụ nữ tháo vát, dám nghĩ dám làm.

Có nguồn cung cây cói ổn định, bà Vũ Thị Oanh lập tức bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển nghề dệt cói trên quê hương mới. Ban đầu, quy mô sản xuất chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình. Nhưng những tấm chiếu, chiếc bao, chiếc túi… do mẹ con bà dệt từ cói được người dân địa phương ưa chuộng. Tiếng lành đồn xa, nhu cầu của thị trường ngày càng lớn. Bà bè dạy nghề cho người dân trong xã, tổ chức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. 

Năm 2007, Hợp tác xã Sông Trà- Nga Sơn Sáu Oanh do bà làm chủ ra đời. Huyện Hiệp Đức đã đầu tư, hỗ trợ bà xây dựng nhà xưởng, phát triển vùng chuyên canh cây cói.

Dắt díu 7 người con rời quê hương, người phụ nữ giàu lên nhờ trồng cói trên rừng - Ảnh 3.

Với những đóng góp của mình, bà Vũ Thị Oanh nhận được rất nhiều giải thưởng lớn.

Từ đó cho tới nay, sau hơn 10 năm thành lập, HTX đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định. Đỉnh điểm, có giai đoạn, HTX thu hút tới 50-60 lao động một lúc, sản xuất, cung ứng đủ các loại đồ thủ công mĩ nghệ từ cây cói như: Chiếu, túi, giỏ xách, mũ… Không những vậy, bà Vũ Thị Oanh còn được mời đi dạy nghề cói cho lao động các huyện Duy Xuyên, Tây Giang, Nam Giang, Tam Thanh, Hội An... 

Với kinh nghiệm của mình, bà đã đóng góp và để lại dấu ấn đáng kể cho việc duy trì, hình thành các làng nghề  trồng cói và sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ cây cói của tỉnh Quảng Nam. Những đóng góp của bà đã được các cấp ngành Trung ương và chính quyền tỉnh Quảng Nam ghi nhận bằng nhiều bằng khen, giải thưởng quan trọng.

Trước khi chia tay chúng tôi, bà Vũ Thị Oanh còn chia sẻ nhiều dự định cho tương lai, trong đó có việc tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu cói, đa dạng hóa sản phẩm từ cây cói... Dường như, với người phụ nữ ngoài 60 tuổi này, tâm huyết với cây cói, với nghề dệt truyền thống chưa bao giờ vơi cạn. Nghị lực cùng tinh thần dám nghĩ dám làm không chỉ giúp bà ổn định đời sống cho gia đình, góp phần xây dựng quê hương thứ hai, mà còn truyền cảm hứng cho những người nông dân trong hành trình khởi nghiệp làm giàu.   

Lam Giang
Cùng chuyên mục