Để vượt con số 500 tỷ USD xuất nhập khẩu, cần làm gì?

01/01/2020 09:18 GMT+7
Theo GS Nguyễn Mại, con số hơn 500 tỷ USD còn có thể cao hơn nếu các doanh nghiệp có những thay đổi trong tư duy xuất khẩu, chuyển từ xuất thô sang tinh chế, có thương hiệu tốt hơn.

Tính đến ngày 30/12, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 514 tỷ USD, con số cao kỷ lục từ trước đến nay, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất toàn cầu.

Với kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ USD, quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam đã vượt cả châu Phi cộng lại. Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ để vào nhóm 30 nền kinh tế có quy mô xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới. Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ 3 về xuất nhập khẩu, chỉ sau Singapore và Thái Lan.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong gần 20 năm (giai đoạn 2000-2019) ghi nhận dấu ấn 3.995 tỷ USD. Riêng năm 2019, quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa đã vượt mốc 500 tỷ USD.

Vậy con số ấn tượng này có ý nghĩa thế nào tới kinh tế Việt Nam? Doanh nghiệp, người lao động và người dân được hưởng những lợi ích gì từ kỷ lục này? Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) xung quanh vấn đề này.

Để vượt con số 500 tỷ USD xuất nhập khẩu, cần làm gì? - Ảnh 1.

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)

Thưa GS Nguyễn Mại, ông đánh giá thế nào về kỷ lục xuất nhập khẩu năm 2019 đạt hơn 500 tỷ USD? Con số này có ý nghĩa thế nào với kinh tế Việt Nam?

Năm 2019 là năm kỷ lục xuất nhập khẩu của Việt Nam. Kỷ lục thứ nhất, là sau 25 năm kể từ khi gia nhập ASEAN, hơn 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.

Thứ 2, đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam  xuất siêu, riêng năm 2019 đạt kỷ lục xuất siêu gần 10 tỷ USD.

Thứ 3, trước kia, để có được  2 mặt hàng xuất khẩu đạt 1 tỷ USD đã là rất khó khăn nhưng năm 2019 nước ta có tới 35 mặt hàng trên 1 tỷ USD, trong đó có rất nhiều mặt hàng đạt hơn 10 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu đóng góp rất lớn cho kinh tế Việt Nam. GDP của chúng ta năm nay tăng 7,02% phải kể đến đóng góp không nhỏ của xuất nhập khẩu, giúp Việt Nam giữ vững vị trí là nước tăng trưởng cao trên thế giới.

Điều này cho thấy, kinh tế Việt Nam rất ổn định để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tạo thêm việc làm, đóng góp thuế cho ngân sách nhà nước. Mức độ hội nhập của kinh tế Việt Nam vào thế giới ngày càng sâu rộng hơn. Và chứng tỏ rằng, nước ta đã có tên trong bản đồ thế giới về chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu hằng ngày là dệt may, da giày, đồ gỗ...

Đặc biệt, việc này cho thấy nước ta đã có thị trường chủ lực và đang giữ vững thị trường này. Ví dụ, năm 2019 nước ta xuất khẩu sang Mỹ vẫn tăng rất mạnh, tăng khoảng 15-17%. Hoặc như chúng ta đạt mục tiêu xuất khẩu sang Hàn Quốc là 100 tỷ USD. Hiện Việt Nam trở thành nước thứ hai xuất khẩu lớn hai sang nước này chỉ sau Trung Quốc.

Đây là dấu hiệu rất tích cực, đáng mừng. Tiếp đà này, chúng ta sẽ đạt được kỳ vọng như Thủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD hôm qua (30/12) là cán mốc xuất khẩu 300 tỷ USD!

Tín hiệu vui mừng này giúp cho doanh nghiệp và người dân được hưởng những lợi ích thế nào thưa ông?

Như tôi đã nói ở trên, khi nền kinh tế ổn định sẽ thu hút được nhiều đầu tư vào Việt Nam. Từ đó tạo công ăn việc làm cho người dân, đóng góp thuế cho ngân sách nhà nước.

Riêng về xuất khẩu nông sản, nông dân được hưởng lợi rất nhiều. Năm nay nông sản xuất khẩu đạt hơn 40 tỷ USD, như vậy giá các mặt hàng nông sản như gạo, cá tra, hoa quả…trong nước sẽ tăng lên, người dân thu lợi nhuận sẽ cao hơn, đời sống vì thế mà cũng tốt hơn.

Ngoài ra, xuất khẩu nông sản cao chứng tỏ nông sản chúng ta đã đáp ứng được các tiêu chuẩn thế giới. Nếu như trước đây, các mặt hàng hoa quả như những năm trước đây chúng ta xuất khẩu được 100- 200 triệu USD đã được coi là cực kỳ lớn thì hiện tại chúng ta xuất khẩu được hơn 4 tỷ USD. Đây là con số quá ấn tượng với ngành nông nghiệp, giúp người dân có thêm việc làm, giảm bớt tình trạng “được mùa mất giá”...

 
Để vượt con số 500 tỷ USD xuất nhập khẩu, cần làm gì? - Ảnh 2.

Với kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ USD, quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam đã vượt cả châu Phi cộng lại

Hiện tại, Việt Nam đang có cơ hội tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia, vì thế các doanh nghiệp chế biến, chế tạo có cơ hội phát triển rất lớn. Việc sớm tham gia vào khâu có giá trị cao của chuỗi cung ứng mới tạo ra nhiều lợi nhuận, đó là cơ sở để tăng thu nhập cho người lao động, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Hiện thủ tục hải quan trong hoạt động logistics, hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo các cam kết của Việt Nam với các nước, các thủ tục giảm bớt cũng là điều kiện để hàng hóa nhập khẩu vào nước ta phong phú, dồi dào. Từ đó, người dân có thể tiếp xúc với nhiều mặt hàng chất lượng, giúp giá cả bình ổn, ít biến động.

Như ở trên GS đã phân tích, kỷ lục xuất nhập khẩu đạt hơn 500 tỷ USD có ý nghĩa rất lớn và tạo ra nhiều cơ hội hội nhập, phát triển cho kinh tế Việt Nam. Vậy có những thách thức nào cho chúng ta không?

Thách thức lớn nhất chính là những hạn chế của chúng ta. Một câu chuyện luôn mang tính thời sự đó là xây dựng thương hiệu. Hiện nay, những doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất là những doanh nghiệp có giá trị gia tăng lớn, còn những doanh nghiệp chủ yếu gia công, mặc dù xuất khẩu rất lớn nhưng doanh thu rất thấp vì thương hiệu không mạnh.

Tôi lấy ví dụ như ngành dệt may hiện nay của chúng ta, mặc dù xuất khẩu cao nhưng bóc tách ra có thể thấy chuỗi gia tăng thấp nên hưởng lợi rất ít. Khi ta làm một chiếc áo, bán cho nước ngoài chỉ khoảng 5 USD nhưng khi họ bán ra thị trường lên tới 70 - 100 USD. Phần chênh lệch đó mình chưa được hưởng mà chỉ được hưởng các phần gia công như cắt, may - hai khâu này giá trị gia tăng thấp.

Vì vậy, tính chung trong chuỗi giá trị gia tăng thì các doanh nghiệp Việt chỉ được hưởng 15-17% còn lại là nước ngoài. Vì thế hiện, ngành dệt may đang cố gắng làm thế nào để có thể tăng giá trị gia tăng lên khoảng 30-40% lúc đó chúng ta mới có lợi.

Theo công bố của tờ Brand Finance, 50 thương hiệu hàng đầu của Việt Nam mới chỉ bằng ½ thương hiệu của Malaysia. Vì thế chúng ta cần phải đẩy mạnh làm thương hiệu.

Tôi phải khẳng định, khâu giá trị gia tăng là một trong những khâu quan trọng nhất. Để làm được điều này, chúng ta cần phải làm tốt thương hiệu. Đây là câu chuyện thời sự, phải làm thương hiệu mạnh thì lúc đó mới có thể có thể tăng giá thành lên được. Con số hơn 500 tỷ USD còn có thể cao hơn nếu các doanh nghiệp có những thay đổi trong tư duy xuất khẩu, chuyển từ xuất thô sang tinh chế, có thương hiệu tốt hơn.

Thứ hai, logistics của chúng ta cũng rất hạn chế. Một trong những “điểm nghẽn” lớn đó là chi phí logistics của Việt Nam chiếm hơn 15% tỷ trọng GDP, cao gần gấp đôi các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu 14%.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang đứng trước cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam phải cạnh tranh mạnh mẽ với các đối thủ nước ngoài, thì các chi phí không chính thức lại đang o bế khả năng cạnh tranh của họ, gián tiếp ảnh hưởng đến cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Vì thế, nếu chúng ta không có chuỗi giá trị hợp tác với các nước khác tốt thì rõ ràng chi phí này không thể thấp xuống được.

Độ mở lớn, kinh tế dễ bị chao đảo

"Con số xuất nhập khẩu 500 tỷ USD cho thấy, độ mở tiếp cận thị trường thế giới của Việt Nam rất lớn. Độ mở nền kinh tế được biểu hiện bằng việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chia cho GDP. Tính ra là hơn 20% như vậy cho thấy độ mở kinh tế của Việt Nam khá lớn.

Việc này cũng cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã tiếp xúc đa phương, rộng lớn hơn với kinh tế thế giới. Từ đó, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam có cơ hội, đặc biệt là các mặt hàng nông sản được tiếp cận với thị trường thế giới tốt hơn.

Độ mở ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất, đặc biệt tới nông nghiệp. Nhưng đây cũng là rủi ro khá lớn đến kinh tế chúng ta. Bởi trước mỗi sự biến động, thay đổi lớn đều có tác tác động, rủi ro. Mặt trái là với những biến động của nền kinh tế thế giới, từ giá cả, cung cầu đều dồn vào, theo đó để chống chịu với biến động từ bên ngoài,nếu thực lực của nền kinh tế không vững mạnh sẽ rất dễ bị chao đảo.

Hạn chế của chúng ta hiện nay chủ yếu chỉ xuất khẩu nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ, còn các mặt hàng công nghiệp chủ yếu là qua các doanh nghiệp FDI như Samsung, LG…các doanh nghiệp trong nước rất ít.

Ngoài ra, năng lực tài chính, việc sử dụng lao động, công nghệ, công tác quản trị kinh doanh, logistics… của chúng ta cũng còn rất nhiều hạn chế. Các vấn đề này cần dần dần khắc phục, để chúng ta không chỉ xuất nhập khẩu ở con số 500 tỷ USD"- Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.

Theo Dân Việt
Cùng chuyên mục