Đề xuất lấp hồ xây chung cư: Đi ngược với quy luật, không chấp nhận được!

An Vũ
22/12/2019 18:45 GMT +7
Công ty CP Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) lại đề xuất lấp đi 1 ha hồ Thành Công để xây dựng thêm 3 tòa nhà chung cư cao tầng. Đánh giá việc này, các chuyên gia về kiến trúc đô thị cho rằng đây là "đề xuất đi ngược lại với quy luật, không ai chấp nhận được".

Công ty CP Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) vừa trình UBND TP Hà Nội 2 phương án mới nhất cải tạo khu tập thể cũ Thành Công (quận Ba Ðình, Hà Nội). Đây là lần thứ 2, Vihajico đưa ra đề xuất này. Trước đó, năm 2017 Công ty CP Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng đã gây bão khi đưa ra ý tưởng lấp hồ Thành Công để xây nhà.

Trong đó, phương án đề xuất mở rộng diện tích công viên và hồ về phía trung tâm khu đô thị và "bù lại" cũng đề xuất cắt giảm hơn 4.267m2 mặt hồ phía đối diện để làm khu nhà tái định cư chất lượng cao. Nếu làm theo đề xuất này thực chất là lấp đi một góc hồ đẹp nhất để xây dựng thêm 3 tòa nhà chung cư cao tầng…

Đề xuất lấp hồ xây chung cư: Đi ngược với quy luật, không chấp nhận được - Ảnh 1.

Đây là lần thứ 2, Vihajico đề xuất lấp 1 phần hồ Thành Công phục vụ cải tạo tạo khu tập thể cũ Thành Công

Đề xuất trên lập tức tiếp tục gây bão trong dư luận dù phía chủ đầu tư cho rằng, với phương án này nhà nước không cần hỗ trợ; công năng của hồ nước không đổi vì diện tích bù đắp lớn hơn…

Trao đổi với Etime, TS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội cho biết, khi xem xét xây dựng và cải tạo chung cư phải đảm bảo hài hòa cảnh quan và nét đặc trưng của Thủ đô. Đặc biệt, Hà Nội đã có rất nhiều bài học lớn về việc lấp hồ, lấp ao, ảnh hưởng đến môi trường.

"Ao hồ, công viên không chỉ là lá phổi của thành phố mà còn có trách nhiệm chứa nước mưa mỗi khi trời mua to. Nhiều bài học đã xảy ra ở Hà Nội, TP.HCM và một số đô thị lớn khi xây dựng đã không giữ được diện tích hồ nên mỗi khi mưa to, không có chỗ thoát dẫn đến ngập lụt. Giờ chúng ta đang hương tới tăng diện tích cây xanh, hồ để diều hòa mà doanh nghiệp lại đề xuất lấp hồ thì không ổn. Hơn nữa, quy hoạch chung thường không cho lấp hồ tạo cảnh quan. Do đó, lấp hồ Thành Công là đề xuất không chấp nhận được ", TS Nghiêm nói.

Cũng cùng ý kiến này, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên hiệu trưởng ĐH Xây đánh giá, đây là đề xuất trái quy luật. PGS Hùng cho rằng, hiện Hà Nội đang rơi vào ô nhiễm nghiêm trọng vì vậy việc giữ cây xanh và hồ là điều rất quan trọng.

Ông Hùng cũng cho biết, ngày xưa Hà Nội ít ngập là do có nhiều ao hồi. Nhưng hiện tại, hễ mưa là Thủ đô là dân lại rơi vào cảnh khốn khổ. Đó là do quá trình đô thị hóa đã khiến ao hồ mất dần, vì thế nên cứ mưa là ngập. "Việc lấp hồ chỗ này để đào chỗ khác làm thay đổi cảnh quan hồ. Ngoài ra, việc xây dựng nhà trên khu vực nền tảng đất yếu vừa tốn kém lại không đảm bảo. Việc doanh nghiệp đưa ra ý tưởng như vậy là không bình thường. Họ không nhìn thấy hậu quả hoặc hậu quả để người khác gánh chịu", ông Hùng nhấn mạnh.

Trước ý tưởng này, ngày 21/12, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội khẳng định, đây chỉ là ý tưởng của nhà đầu tư báo cáo trước Hội đồng kiến trúc quy hoạch TP và chưa nhận được sự đồng thuận của các thành viên Hội thẩm định, Hội đồng đã yêu cầu nhà đầu tư cần nghiên cứu lại phương án lập quy hoạch cho khu vực này phải tuân thủ theo đúng quy hoạch được phê duyệt.

Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh, hồ Thành Công hay bất kỳ hồ nào khác trên địa bàn TP đều là tài sản "vô giá" đang cần được bảo vệ, không có chuyện nhà đầu tư thích làm gì cũng được. Những ý tưởng lập quy hoạch cải tạo xây mới chung cư cũ đều được Hội đồng thẩm định đánh giá rất kỹ trước khi trình UBND TP xem xét quyết định làm cơ sở để nhà đầu tư tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500, quá trình lập Nhiệm vụ và đồ án quy hoạch cần phải lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng dân cư, các cơ quan tổ chức có liên quan trước khi phê duyệt theo đúng quy trình quy định.

An Vũ