Đến lượt vaccine Covid-19 Trung Quốc đối diện những ngờ vực
Trung Quốc từng dẫn đầu cuộc chạy đua toàn cầu trong phát triển vaccine Covid-19 khi thúc đẩy tiêm vaccine cho người dân từ rất sớm. Nhưng mới đây, hàng loạt công ty dược phẩm Mỹ và EU đã hoàn tất quá trình thử nghiệm vaccine giai đoạn cuối. Kết quả sơ bộ cho thấy mức độ hiệu quả của hai dòng vaccine Covid-19 của Mỹ do Pfizer và Moderna phát triển lên tới hơn 90%. Còn dòng vaccine Covid-19 do AstraZeneca (Anh) phối hợp cùng Đại học Oxford nghiên cứu có mức độ hiệu quả tổng thể là hơn 70%. Cả 3 dòng vaccine đều được phát triển bằng những công nghệ tiên tiến nhất.
Trái ngược với những kết quả tích cực này, hiệu quả của vaccine Covid-19 do Trung Quốc phát triển lại là dấu hỏi lớn. Nghiên cứu được công bố hôm 17/11 của Tạp chí Y khoa The Lancet (Anh) về hiệu quả vaccine Covid-19 được phát triển bởi Sinovac Biotech (Trung Quốc) cho thấy dòng vaccine này tạo ra kháng thể bảo vệ thấp hơn lượng kháng thể có ở bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã hồi phục. Tức là mức độ hiệu quả của vaccine Sinovac chỉ ở mức trung bình. Sinovac sử dụng phương pháp phát triển vaccine truyền thống là virus bất hoạt, không giống với phương pháp mRNA của Moderna và Pfizer.
Ngay sau khi The Lancet công bố kết quả nghiên cứu, Giám đốc cấp cao của Sinovac là Meng Weining đã lên tiếng tuyên bố các thử nghiệm giai đoạn cuối vaccine Covid-19 đang tiếp tục diễn ra suôn sẻ. Dữ liệu chính thức về hiệu quả vaccine dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng sau.
Hiện trên thế giới có 11 loại vaccine Covid-19 đã và đang bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng, 4 trong số đó đến từ Trung Quốc. Ba công ty dược phẩm Trung Quốc là Sinovac, Sinopharm và CanSinoBio đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng cuối cùng tại ít nhất 13 quốc gia, bao gồm Indonesia và Brazil. Các quốc gia đó sẽ được ưu tiên cung cấp vaccine đầu tiên nếu kết quả thử nghiệm chứng minh được độ an toàn và hiệu quả. Thỏa thuận cung cấp vaccine này được cho là một phần trong nỗ lực bành trướng tầm ảnh hưởng của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình với các quốc gia đang phát triển. Nhưng đây rõ ràng là một nỗ lực đầy rủi ro, bởi cho đến nay, tính an toàn và hiệu quả của các dòng vaccine Covid-19 do Trung Quốc phát triển vẫn là mối ngờ vực lớn.
Sự ngờ vực đã xuất hiện từ lâu, bởi ngay từ khi chưa hoàn tất thử nghiệm giai đoạn cuối, cả hai tập đoàn dược phẩm hàng đầu Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm đã đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người dân. Tính đến ngày 18/11, đã có khoảng 1 triệu người Trung Quốc được tiêm vaccine Covid-19 của Sinopharm, tăng từ mức 350.000 người hồi tháng 9. Số người thuộc diện nhân viên hoặc người nhà nhân viên Sinopharm được ưu tiên tiêm chủng đã tăng mạnh.
“Trong gần 1 triệu người được tiêm chủng, không ghi nhận một trường hợp nào có phản ứng bất lợi” - Chủ tịch Sinopharm Liu Jingzhen cho biết trong một tuyên bố ngày 18/11. Thông thường, các cá nhân tham gia tiêm chủng sớm cần được theo dõi trong khoảng 6 tháng đến 1 năm sau đó. Nhưng theo tờ Nikkei Asian, có ít thông tin cho thấy Sinopharm đang duy trì liên lạc và theo dõi chặt chẽ những cá nhân đã tiêm vaccine.
Trong khi đó ở phương Tây, công ty dược phẩm của Châu Âu và Mỹ đã tỏ ra vô cùng minh bạch trong quá trình cung cấp thông tin thử nghiệm lâm sàng cũng như tác dụng phụ của vaccine Covid-19. Hôm 20/11, Pfizer đã xin phê duyệt khẩn cấp từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA, theo đó người Mỹ dự kiến sẽ được tiếp cận vaccine sớm nhất từ ngày 11/12.