Diêm dân không vui dù trúng mùa muối
Cánh đồng Cửa Cạn, xã Tân Thuận (huyện Hàm Thuận Nam) mấy hôm nay muối kết tinh trắng xóa. Diêm dân tập trung ra đồng cào muối nhưng tâm trạng không được vui. Khuôn mặt ai cũng tỏ nét buồn rầu, không muốn tiếp chuyện với người lạ.
Ông Nguyễn Văn Thủ (50 tuổi) làm một hecta cho biết, năm nay nhờ mưa dứt sớm và nắng kéo dài, nên muối rất trúng. Nếu như năm ngoái gia đình thu hoạch được 100 tấn, thì năm nay lên đến 150 tấn. Muối nhiều nhưng bán rất chậm vì các đầu mối giảm thu, nhất là giá quá thấp. Sản lượng tăng 50%, nhưng giá lại rớt một nửa so với năm ngoái.
"Giá rẻ mạt, 600 đồng một ký, mà cũng ít người hỏi mua. Chưa năm nào muối để trắng đồng như vậy", ông Thủ nói.
Cũng trên cánh đồng này, gia đình anh Trần Văn Hiên (40 tuổi) tiếp tục cào muối, tập kết đổ đống trên bờ. Đống muối trắng tinh hàng chục tấn, nằm chờ từ sau Tết đến nay mới có thương lái đến mua. Anh Hiên thuê người đóng bao, nhưng bán được một góc nhỏ chừng hai chục tấn. Mỗi bao (50 kg) chỉ được 30.000 đồng. "Với giá này, riêng tiền thuê người đóng bao, bốc vác là đủ hết, không còn lời lãi bao nhiêu", anh Hiên nói.
Một bao có giá 45.000 trở lên (900 đồng một kg), người làm muối mới mong có thu nhập khá. Bởi chi phí thuê người cào, đóng bao và bốc vác đã tốn khoảng 7.000 đồng một bao. Sản lượng nhiều kéo theo tiền thuê người đóng bao lớn, nên tính ra diêm dân cũng không lãi bao nhiêu. Vụ này, diêm dân Bùi Thanh Sơn làm một hecta, chỉ lãi được 15 triệu. "Tính ra bốn tháng trời, mỗi ngày công của mình chưa tới 150 nghìn", ông Sơn nhẩm tính.
Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó giám đốc Hợp tác xã muối Thanh Phong (xã Tân Thuận) cho biết, hợp tác có hơn 20 hecta muối trải bạt. Mọi năm công ty chế biến nước mắm, các cơ sở muối cá làm mắm, sản xuất muối i-ốt... tiêu thụ nhanh. Nay muối hợp tác xã trúng đậm, được 3.000 tấn (năm ngoái 2.000 tấn), nhưng vẫn không mấy phấn khởi.
Theo ông Đồng, thị trường hiện tại bấp bênh do lượng cá đánh bắt giảm và một phần do dịch Covid-19 đang diễn ra. Các công ty làm nước mắm, hải sản... thiếu nguyên liệu có, sản xuất cầm chừng, nên họ dùng ít muối dẫn đến sức tiêu thụ không nhiều. "Lượng muối nhiều nhưng nhu cầu giảm, nên dẫn đến việc giá muối hạ", ông Đồng cho biết.
Trước đây, Bình Thuận có các nơi làm muối nổi tiếng như: Duồng (Tuy Phong), Trinh Tường (Phan Thiết), Cửa Cạn (Hàm Thuận Nam)... Nhưng nay chỉ Cửa Cạn, thôn Thanh Phong (xã Tân Thuận) là vùng còn chuyên nghề với tổng diện tích trên 60 ha. Diêm dân Cửa Cạn làm muối trên nền đất, nhưng khoảng chục năm trở lại, phần đông đã chuyển sang làm muối sạch bằng phương pháp trải bạt cho năng suất cao, sản lượng 6.000 tấn mỗi năm.