Điểm danh 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sẽ thu phí
Cụ thể, trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang triển khai thi công, có 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, dự kiến hoàn thành từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2023.
Trong đó, 8 dự án gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2.
Đối với phương án thu phí phương tiện, Bộ GTVT dự kiến sẽ thu tại 8 thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông với mức phí là 1.000-1.500 đồng/xe tiêu chuẩn - dưới 12 chỗ ngồi mỗi km. Đây là mức thu phí tương đồng với mức thu của các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác và phù hợp với mức chi trả, lợi ích thu được của người sử dụng đường cao tốc.
Hiện nay, mức thu phí sử dụng của một số tuyến đường cao tốc đang được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) và một số nhà đầu tư tư nhân khai thác dao động từ 1.000-2.100 đồng/xe tiêu chuẩn/km.
Với mức thu từ 1.000-1.500 đồng/km tùy từng tuyến, sau khi trừ chi phí vận hành, bảo dưỡng và tổ chức thu, ngân sách sẽ thu được khoảng 2.130 tỷ đồng/năm từ 8 tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong giai đoạn 2025 - 2030.
Khoản thu phí đem về sẽ giúp phát triển thêm hệ thống đường cao tốc, vừa giảm gánh nặng ngân sách cho việc duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường.
Tại Thông báo số 154/TB-VPCP ngày 7/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu đề xuất cơ chế Nhà nước thu phí đối với các tuyến đường Nhà nước đầu tư để tạo nguồn vốn tái đầu tư phát triển giao thông vận tải, báo cáo cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan.
Trong danh mục các loại phí thuộc lĩnh vực đường bộ chưa có quy định về phí sử dụng đường bộ thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Theo Luật giá, việc thu giá sử dụng dịch vụ thực hiện với các dự án xây dựng đường bộ để kinh doanh (BOT).
Bộ GTVT cho rằng, việc hoàn vốn đường cao tốc Nhà nước đầu tư theo cơ chế phí có thể điều chỉnh để phù hợp với chính sách kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, không bắt buộc phải bù đắp đủ chi phí đầu tư ban đầu như cơ chế giá.
Do vậy, trong từng thời kỳ, Nhà nước có quyền điều chỉnh tăng hoặc giảm mức phí để đảm bảo cân đối lợi ích của người sử dụng và khả năng của ngân sách.
Tuy nhiên, việc thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước với các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo cơ chế phí cần được Quốc hội chấp thuận chủ trương và giao cơ quan có thẩm quyền quy định về mức thu, tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng khoản phí…