Điểm mặt công trình, dự án từ dang dở đến để ngắm miền núi Quảng Ngãi: Chủ đầu tư nói gì? (Bài cuối)

Tới Phan
17/02/2025 10:23 GMT +7
Tình trạng hàng loạt công trình, dự án hạ tầng, sinh kế…. ở nhiều huyện miền núi Quảng Ngãi đã và đang lâm vào cảnh dở dang, “yểu mạng” gây dư luận không hay ở địa phương, PV đã trao đổi và nhận được phản hồi từ chủ đầu tư, chia sẻ nguyên nhân từ lãnh đạo chính quyền địa phương.

Giám đốc BQL dự án đầu tư huyện Sơn Hà Nguyễn Xuân Hoàng nhìn nhận thời gian qua, nhiều dự án đầu tư hạ tầng, dân sinh…ở địa phương sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, đã phát huy hiệu quả rất tốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

BQL dự án huyện Sơn Hà, chủ đầu tư nhiều dự án đang rơi vào tình cảnh dang dở, trễ hạn so kế hoạch đề ra.Ảnh: Tới Phan

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có một số dự án, công trình đang rơi vào tình cảnh dở dang, trễ so với kế hoạch nhưng vẫn chưa hoàn thành và đưa vào hoạt động, gây dư luận không hay ở địa phương và trong đó, có các dự án, công trình mà Etime đã phản ánh.

Nói về nguyên nhân chậm trễ của dự án đường tránh Tây thị trấn Di Lăng, Sơn Hà có tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng, Giám đốc BQL dự án đầu tư huyện Sơn Hà Nguyễn Xuân Hoàng cho biết đến thời điểm này, công trình đã làm được khoảng 36% khối lượng, với chiều dài đang thực hiện được ½ toàn tuyến (2km).

Phần còn lại (1km) do quy hoạch sử dụng đất của huyện chưa được cấp thẩm quyền tỉnh phê duyệt dẫn đến chưa có đủ cơ sở thực hiện các thủ tục khác để bồi thường GPMB theo quy định.

2 trong số dự án đầu tư đang dở dang tại huyện Sơn Hà.Ảnh: Tới Phan.

Đây cũng là vướng mắc chung của nhiều dự án, công trình ở các địa phương khác của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua, chứ không riêng gì huyện Sơn Hà.

Trong khi chờ giải quyết phần vướng GPMB, BQL dự án Sơn Hà đã yêu cầu nhà thầu thi công, tiếp tục tập trung phương tiện và nhân lực thực hiện hoàn thiện phần việc đang làm dang dở, không bị vướng mặt bằng.

Tương tự là dự án khu dân cư Gò Dép, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà có tổng mức đầu tư 4,5 tỷ đồng, cũng đang phải chờ phê duyệt qui hoạch sử dụng đất của huyện, mới có thể tiếp tục triển khai hoàn thành phần việc còn lại.

Còn dự án nhà máy xử lý rác Sơn Hà, có tổng vốn đầu khoảng 10,5 tỷ đồng, chủ đầu tư cho biết hiện đang bổ sung phần việc còn thiếu theo đánh giá ĐTM theo quy định; phấn đấu trong năm nay 2025 sẽ hoàn thành, để đưa vào hoạt động.

Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Sương cho biết nhiều mô hình, dự án đã đầu tư trong thời gian qua ở Trà Bồng và một số huyện miền núi khác trong tỉnh, đang được duy trì và phát huy hiệu quả khá tốt.Ảnh: TP-HN

Đối với các mô hình, dự án cây trồng “yểu mệnh” giăng dài tại nhiều huyện miền núi trong thời gian qua, PV đã trò chuyện và nhận được những lời chia sẻ từ Phó chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương, người đã gắn bó và được phân công phụ trách, theo dõi lĩnh vực nông nghiệp ở huyện miền núi Trà Bồng từ hàng chục năm qua.

Ông Trần Văn Sương cho biết nhiều mô hình, dự án đã đầu tư trong thời gian qua ở Trà Bồng và một số huyện miền núi khác trong tỉnh, đang được duy trì và phát huy hiệu quả khá tốt.

Bên cạnh đó cũng còn không ít dự án, mô hình trong thời gian có cán bộ và cấp ngành của huyện, tỉnh tham gia làm thí điểm thì phát triển tốt, khẳng định hiệu quả bước đầu.

Cán bộ chuyên môn đang kiểm tra một mô hình cây trồng ở miền núi Quảng Ngãi.Ảnh: NH

Tuy nhiên khi tiến hành bàn giao lại cho địa phương (xã) và người dân (tham gia mô hình, dự án) để tiếp tục duy trì và mở rộng thì dự án rơi vào tình cảnh không thực hiện được

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Sương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do trình độ và nhận thức của người dân miền núi còn hạn chế, dẫn đến không áp dụng và thực hiện đúng và đầy đủ quy trình kĩ thuật được tập huấn, hướng dẫn trước đó.

"Về phía cán bộ chuyên môn, kĩ thuật huyện, tỉnh sau khi mô hình, dự án được đánh giá và kết thúc thì họ cũng đã hoàn thành nhiệm vụ và phải trở về làm các công việc khác, không thể thường xuyên theo dõi và giám sát như trước.

Đó là chưa nói địa điểm triển khai của nhiều dự án, mô hình cây trồng vật nuôi nằm ở các thôn bản cách nơi ở và làm việc hàng chục, nhiều chục km; trong khi số cán bộ chuyên môn huyện đang bị áp lực bởi số lượng công việc được giao khác….thì làm sao có thời gian để đến hỗ trợ được" - ông Sương nói

Một góc thân bản ở huyện miền núi TRà Bồng.Ảnh: TP

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương, mỗi dự án khi triển khai, để hạn chế lâm vào tình trạng “chết” ngay sau khi cán bộ vừa về, cần có 1 cơ chế hỗ trợ cho số cán bộ chuyên môn, kĩ thuật có trách nhiệm và gắn bó thêm 1 thời gian để tiếp tục hỗ trợ cho người dân duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả của mô hình.

Tới Phan