Điều chỉnh mức đầu tư dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM

13/06/2022 09:31 GMT+7
Bộ GTVT vừa phê duyệt điều chỉnh dự án thành phần 1A của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM với tổng mức đầu tư hơn 6.955 tỷ đồng.

Theo đó, Bộ GTVT chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là hơn 6.955 tỷ đồng so với mức đầu tư hơn 5.329 như dự kiến ban đầu.

Lý giải về việc tổng mức đầu tư tăng lên là do nguyên nhân sau cập nhật, chi phí GPMB phát sinh từ hơn 624 tỷ đồng lên hơn 2.250 tỷ đồng. Trong đó, chi phí GPMB trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tăng từ gần 476 tỷ đồng lên hơn 651 tỷ đồng; Chi phí GPMB địa bàn TP.HCM tăng từ gần 149 tỷ đồng lên gần 1.600 tỷ đồng.

Trên cơ sở mức đầu tư được điều chỉnh, cơ cấu nguồn vốn dự án được thay đổi. Trong đó, vốn vay ODA từ Quỹ EDCF của Chính phủ Hàn Quốc là 190,77 triệu USD.

Điều chỉnh mức đầu tư dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM - Ảnh 1.

Cầu Sài Gòn 2 đến nay đã được đưa vào khai thác. Ảnh: TTD

Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là hơn 2.779 tỷ đồng (Ngân sách trung ương là hơn 529 tỷ đồng; Ngân sách địa phương là hơn 2.250 tỷ đồng để thực hiện công tác GPMB).

Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM và UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án thực hiện tại địa phương, lấy ý kiến thống nhất của Bộ GTVT và thẩm định, phê duyệt theo quy định; tổ chức thực hiện công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư đúng quy định của pháp luật về đất đai.

Ngoài ra, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận căn cứ Quyết định điều chỉnh dự án đầu tư để triển khai các bước tiếp theo theo quy định; chịu trách nhiệm hoàn thành dự án đúng thời hạn, tránh làm phát sinh, kéo dài.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có chiều dài khoảng 8,75km, trong đó 6,3km qua địa bàn Đồng Nai và 2,45km đi qua địa bàn TP.HCM.

Điểm đầu dự án giao đường tỉnh 25B (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và điểm cuối giao cắt với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa bàn TP Thủ Đức (TP.HCM).

Giai đoạn 1 dự án được thiết kế với quy mô 6 làn xe với tốc độ thiết kế 80km/h. Theo dự kiến, dự án sẽ được khởi công trong tháng 5/2022. Tuy nhiên, do công tác đấu thầu bị chậm và phải xin ý kiến nhà tài trợ nên kế hoạch khởi công được lùi sang tháng 6/2022.

Điều chỉnh mức đầu tư dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM - Ảnh 2.

Tổng thể các nút giao ra vào cao tốc trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: TA

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài đầu tư khoảng 76,34 km, đi qua TP.HCM dài khoảng 47,51 km, đi qua địa bàn thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh.

Vành đai 3 qua tỉnh Đồng Nai dài khoảng 11,26 km, đi qua địa bàn huyện Nhơn Trạch; qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 10,76 km, đi qua địa bàn các thành phố: Dĩ An, Thủ Dầu Một và Thuận An; qua tỉnh Long An dài khoảng 6,81 km, đi qua địa bàn huyện Bến Lức.

Về nguồn vốn, đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng mức đầu tư sơ bộ 75.378 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.

Được biết, Trong tờ trình của Chính phủ gửi tới Quốc hội cho thấy, tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM và đường Vành đai 4 vùng Thủ đô sẽ khởi công vào tháng 6/2023 và cơ bản hoàn thành vào năm 2026.

Nói về dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, đại biểu Quốc hội, cho rằng dự án đường Vành đai 3 không chỉ là cần thiết mà còn là cấp thiết, cấp bách.

Lý giải, ông Mãi cho biết, dự án này không chỉ giúp TP.HCM và các tỉnh trong khu vực của dự án tháo điểm nghẽn giao thông mà còn tạo động lực mới cho phát triển kinh tế cả vùng phía Nam, từ đó đóng góp nhiều hơn cho cả nước cả về GDP và thu ngân sách, đồng thời phát huy lợi thế tiềm năng trong vùng.

"Đây không chỉ là trục giao thông chiến lược, còn là vành đai phát triển đô thị, phát triển công nghiệp và kết nối vùng. Cho nên việc đầu tư xây dựng cho đường Vành đai 3 cần phải được triển khai ngay", đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.


Thế Anh
Cùng chuyên mục