Đại biểu Quốc hội thảo luận chủ trương đầu tư dự án Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 vùng Thủ đô

10/06/2022 15:46 GMT+7
Ngày 10/6, Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV tiếp tục tiến hành thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh.

Cân nhắc lại phương án thiết kế

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đã đề nghị làm rõ vai trò, đầu mối, nhiệm vụ, quyền hạn của TP.Hồ Chí Minh và TP.Hà Nội để khi tổ chức thực hiện được thuận lợi hơn.

"Việc đầu tư 2 dự án này là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và kế hoạch đầu tư công trung hạn đến năm 2025, Chính phủ đã chuẩn bị kỹ hồ sơ đề án để trình Quốc hội", đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá.

Đường Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 vùng Thủ đô cần rút kinh nghiệm từ các dự án trước  - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: QH

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, hai dự án quan trọng này đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của cử tri toàn vùng và cả nước, có vai trò liên kết thúc đẩy phát triển đô thị hóa, phù hợp quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia, kéo giãn mật độ dân cư, ách tắc giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu, kết nối với nhiều hạ tầng giao thông khác như cảng hàng không, cảng biển trong cả nước.

Về phương án thiết kế sơ bộ, phân kỳ đầu tư, theo đề xuất của Chính phủ đầu tư 2 dự án theo quy mô phân kỳ mặt đường là 17m và 19,75m, sẽ không có làn xe dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí điểm dừng khẩn cấp, Đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng: "Khó đảm bảo an toàn giao thông và dễ xảy ra tình trạng tắc nghẽn, làm giảm hiệu quả đầu tư, đề nghị cân nhắc vấn đề này".

Về phạm vi đầu tư, thống nhất như Tờ trình là có đường song hành và có quỹ đất dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai.

Về phương án thu hồi vốn đầu tư đường vành đai 3, đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất đầu tư công nhưng sau khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng được chuyển giao thu phí để thu hồi vốn tái đầu tư cho các công trình khác nhằm giảm tải cho ngân sách nhà nước là hợp lý, cũng là chủ trương xã hội hóa đường giao thông.

Đại biểu Phạm Văn Hoà cũng cho rằng, đây là dự án liên vùng, đi qua nhiều tỉnh mà mỗi tỉnh, thành phố có chính sách đền bù tái định cư khác nhau, đại biểu đề xuất Chính phủ giao cho TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội là đầu mối tổ chức thực hiện nhưng cũng cần làm rõ vai trò, đầu mối, nhiệm vụ, quyền hạn để khi thực hiện được thuận lợi.

"Chính phủ cần có chỉ đạo thống nhất chính sách đền bù, nhất là địa phương có đất liền kề nhau mà địa giới hành chính lại khác nhau", đại biểu Phạm Văn Hoà nêu quan điểm.

Rút kinh nghiệm từ các dự án trước

Đường Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 vùng Thủ đô cần rút kinh nghiệm từ các dự án trước  - Ảnh 2.

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội). Ảnh: QH

Trong khi đó, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) mong muốn cụ thể hoá trách nhiệm đầu mối của TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh

Đại biểu Tạ Đình Thi bày tỏ đồng tình cao với chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh và dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với những căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn được phân tích, đánh giá nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và nhiều ý kiến thảo luận tại Tổ ngày mồng 06/6/2022.

Đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, việc Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án này vào thời điểm hiện nay là phù hợp.

Đồng thời, tranh thủ được thời cơ, thế và lực của đất nước, giảm chi phí, cơ hội và tạo sự bứt phá, sức lan tỏa của đầu tàu kinh tế và trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, các trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước.

Để hai dự án trên có thể triển khai nhanh và sớm phát huy hiệu quả, đại biểu Tạ Đình Thi bày tỏ cần rút kinh nghiệm từ các công trình đường bộ trước đây về công tác quy hoạch.

Bên cạnh việc quy hoạch, hướng tuyến hành lang công trình thì cần đặc biệt coi trọng và đồng bộ hóa công tác quy hoạch đối với các khu đô thị dân cư, khu tái định cư, quy hoạch cảnh quan, môi trường, công trình thoát nước, tránh tình trạng ô nhiễm, mất cảnh quan và ngập lụt thường xuyên xảy ra như hiện nay.

Về công tác giải phóng mặt bằng, việc cả hai dự án nêu trên đều tách riêng dự án xây dựng công trình và dự án giải phóng mặt bằng, phân chia thành các dự án thành phần, giao cho các địa phương chủ trì thực hiện sẽ thúc đẩy quá trình triển khai nhanh và hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và kinh phí.

Việc xác định đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của địa phương nào do địa phương đó thực hiện mà không xây dựng khung giá chung cho toàn dự án sẽ có nguy cơ gây ra tình trạng so bì, giá đền bù, khiếu kiện, đặc biệt đối với các khu vực giáp ranh giữa các địa phương.

Vì vậy, đai biểu Tạ Đình Thi đề nghị Chính phủ cần lưu ý vấn đề này, cần cụ thể hóa trách nhiệm đầu mối của TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh tại dự thảo Nghị quyết của các dự án khi quy định pháp luật hiện hành chưa có quy định về khái niệm cũng như trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, vai trò để tổ chức thực hiện và quản lý dự án được thông suốt và hiệu quả.

Thế Anh
Cùng chuyên mục