Điêu đứng vì dịch tả heo Châu Phi, doanh nghiệp đau đầu với nhu cầu tết
Thịt nhập khẩu liệu có đáp ứng được nhu cầu thị trường?
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Hải quan TP.HCM ghi nhận các doanh nghiệp đã nhập khẩu trên 5.600 tấn thịt heo (tương đương kim ngạch 10,29 triệu USD, tăng về lượng gần 4.800 tấn và tăng 8,1 triệu USD về kim ngạch so với 6 tháng đầu năm 2018), tăng khoảng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng thịt heo nhập nhiều nhất từ các nước Brazil, Hoa Kỳ, Ba Lan...
Thịt heo nội cạnh tranh với thịt nhập ngoại trong điều kiện nền kinh tế mở.
Tuy nhiên, dù với mức giá khá thấp (khoảng 30.000 đồng/kg) nhưng hầu hết các doanh nghiệp nhập thịt heo để chế biến thực phẩm như làm giò chả, xúc xích... chứ ít bán lẻ ra thị trường do không phù hợp thị hiếu, nếu có chủ yếu là thịt heo đặc sản hoặc thịt heo cao cấp.
Tìm giải pháp cho thịt heo cuối năm
Cuối năm là khoảng thời gian sức mua người dân tăng lên mạnh nhất. Tuy nhiên những thiệt hại nặng nề của dịch tả heo Châu Phi khiến người chăn nuôi khá dè dặt trong việc tái đàn. Theo các thương lái, đàn heo tại Đồng Nai đã giảm tới 30-40% so với trước dịch, một phần heo bị tiêu hủy và một phần người chăn nuôi không tái đàn, nên nguy cơ thiếu hụt nguồn heo ra thị trường những tháng cuối năm nay là khó tránh khỏi. Ông Phạm Đức Bình - giám đốc Công ty Thanh Bình - cũng cho rằng căn cứ vào lượng cám bán ra, trong đó nhiều đơn vị giảm hơn 50% doanh số bán cám, có thể thấy đàn heo trên địa bàn giảm mạnh so với cuối năm 2018.
Theo dự báo của Sở Công Thương TP.HCM, nguồn cung thịt heo sẽ thiếu trong những tháng cuối năm. Vì vậy, thành phố đề ra 3 phương án để đáp ứng nguồn cung từ nay cho đến tết nguyên đán gồm: dự trữ, nhập thịt heo và tìm nguồn cung thay thế.
Theo đại diện Sở Công Thương, nguồn cung thịt heo bình ổn thị trường đạt 4.091 tấn/tháng, chiếm 21% thị phần. Sở đã làm việc với các doanh nghiệp, sở ngành về kế hoạch cung ứng thịt heo từ nay đến Tết nguyên đán. Theo đó, chủ động phương án nhập khẩu, dự trữ thịt heo, đồng thời tính toán nguồn cung bổ sung, thay thế như thịt bò, gà, vịt…
Các loại thịt khác sẽ giúp giảm áp lực lên ngành chăn nuôi heo
Ông Huỳnh Thành Vinh, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, cho biết địa phương này không khuyến khích tái đàn bởi rủi ro quá lớn, mà chi phí đầu tư cấp đông dự trữ thịt rất lớn, trong khi nhu cầu người dân tăng cao nên giá tăng mạnh cũng là điều dễ hiểu. Do đó, ông Vinh cho biết đã làm việc với các trang trại chăn nuôi bò trên địa bàn mở rộng đàn, đồng thời khuyến khích người dân tăng cường nuôi thủy sản, gia cầm nhằm bù đắp lại lượng thịt heo bị thiếu trong giai đoạn tiếp theo.
"Trước mắt, từ nay đến cuối năm ngành nông nghiệp đang tìm kiếm các nguồn thịt thay thế thịt heo. Trong đó, chúng tôi đang khuyến khích các hộ chăn nuôi, trang trại nên nuôi bò, gà vịt, thủy sản... đẩy mạnh sản xuất nhằm đảm bảo đủ lượng thịt phục vụ nhu cầu người dân trong thời gian tới" - ông Vinh cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Phú, phó tổng giám đốc Công ty Vissan, vẫn lạc quan khi cho rằng nguồn cung thịt heo từ các trang trại lớn vẫn còn "dồi dào". Dù vậy, theo ông, doanh nghiệp này cũng có nguồn hàng thịt đông lạnh nhập khẩu để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến và dự trữ. Nhưng nguồn cung thịt heo tươi trong nước vẫn là quan trọng nhất vì thói quen của người tiêu dùng vẫn là tiêu thụ thịt tươi, thịt nóng.