Doanh nghiệp có bị phạt khi chậm báo tăng, giảm lao động?

14/10/2020 09:47 GMT+7
Việc doanh nghiệp chậm trễ trong việc thực hiện báo tăng, giảm lao động đóng BHXH cho cơ quan nhà nước là không ít. Vậy, trong trường hợp này, DN có bị xử phạt không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản với cơ quan BHXH khi có thay đổi thông tin tham gia BHXH.

Đồng thời, tại điểm a khoản 1 Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động nộp hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 10 Công văn 1734/BHXH-QLT năm 2017 quy định khi có phát sinh giảm thì đơn vị báo giảm từ ngày 01 tháng sau, tuy nhiên phải đóng giá trị thẻ BHYT của tháng sau. Trường hợp để không đóng bổ sung giá trị thẻ tháng sau thì đơn vị có thể lập hồ sơ báo giảm tháng sau bắt đầu từ ngày 28 tháng trước, nhưng sau khi báo giảm thì không được báo phát sinh tháng trước.

Doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục báo tăng, giảm lao động đóng BHXH, BHYT và BHTN cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Đối với trường hợp tăng NLĐ đóng BHXH, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày phát sinh tăng doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đăng ký tham gia BHXH đến cơ quan BHXH.

Doanh nghiệp có bị phạt khi chậm báo tăng, giảm lao động? - Ảnh 1.

Căn cứ theo quy định tại Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản với cơ quan BHXH khi có thay đổi thông tin tham gia BHXH

Trường hợp giảm NLĐ (khi NLĐ nghỉ việc) thì DN cần phải lập hồ sơ báo giảm BHXH của tháng sau bắt đầu từ ngày 28 tháng trước và sau khi báo giảm thì không được báo phát sinh tháng trước. (Đơn vị cũng có thể báo giảm từ ngày 01 tháng sau DN phải đóng giá trị BHYT của tháng sau).

Doanh nghiệp không báo tăng, giảm lao động đóng BHXH BHYT và BHTN cho cơ quan Bảo hiểm xã hội đúng thời gian thì sẽ bị xử phạt như sau:

Trường hợp DN báo tăng lao động muộn

Theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Người sử dụng lao động chậm đóng tiền BHXH, BHTN từ 30 ngày trở lên sẽ bị phạt như sau:

Phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Trường hợp không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, tại điểm a khoản 4 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, trường hợp DN báo tăng lao động đóng BHXH muộn dẫn đến chậm đóng BHXH tiền BHXH, BHTN từ 30 ngày trở lên sẽ bị nộp phạt nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng và bị phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.

Trường hợp báo giảm lao động muộn

Theo quy định tại điểm a khoản 2.1 Điều 50 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, đơn vị thực hiện lập, nộp hồ sơ. trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo đúng quy trình, quy định tại Văn bản này và quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Trường hợp đơn vị lập danh sách báo giảm chậm, đơn vị phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó.

Bên cạnh đó, tại điểm 9.7 Mục 9 Công văn 1734/BHXH-QLT năm 2017 quy định khi có phát sinh giảm người lao động, đơn vị phải kịp thời lập danh sách báo giảm gửi cơ quan BHXH qua hệ thống giao dịch điện tử ngay trong tháng (tính đến ngày cuối cùng của tháng đó). 

Nếu báo giảm sau ngày cuối cùng của tháng giảm thì phải phải đóng hết giá trị thẻ BHYT của tháng kế tiếp và thẻ có giá trị sử dụng hết tháng đó. Cơ quan BHXH không thu hồi thẻ các trường hợp báo giảm. 

Như vậy, theo quy định trên, khi người lao động nghỉ việc DN phải báo phải kịp thời lập danh sách báo giảm gửi cơ quan BHXH qua hệ thống giao dịch điện tử ngay trong tháng (tính đến ngày cuối cùng của tháng đó), nếu DN lập danh sách báo giảm chậm, đơn vị phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó.


Bảo Bảo
Cùng chuyên mục