Doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc "ra trận" chống virus corona: phép thử thập kỷ

24/02/2020 17:12 GMT+7
Trung Quốc đã dành hàng thập kỷ đầu tư cho phát triển công nghệ. Giờ đây, khủng hoảng virus corona chính là phép thử đo lường hiệu quả những ứng dụng công nghệ trong việc phục vụ cộng đồng đối mặt với dịch bệnh.

Dịch virus corona: "phép thử" cho ngành công nghệ Trung Quốc

Trong những ngày qua, Bắc Kinh đã thúc đẩy các công ty công nghệ tham gia vào cuộc chiến chống lại dịch virus corona. Chính phủ Trung Quốc liên tục nhấn mạnh cuộc chiến này đòi hỏi tinh thần và sự đoàn kết tập thể của cả quốc gia, nhưng trong đó, ứng dụng công nghệ đóng vai trò quan trọng.

“Cuộc chiến chống virus corona không thể thành công nếu không có sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ” - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bộ Khoa học & Công nghệ Trung Quốc tuần trước cũng kêu gọi các công ty công nghệ hỗ trợ trong việc triển khai hệ thống robot, máy móc sàng lọc thân nhiệt để giảm tối thiểu sự tiếp xúc giữa người với người, qua đó hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus corona.

Doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc "ra trận" chống virus corona: phép thử thập kỷ - Ảnh 2.

Robot và hệ thống drones sẽ thay nhân viên y tế tiến hành sàng lọc thân nhiệt đám đông để phát hiện người có nguy cơ nhiễm virus corona

Đáp lại sự kêu gọi của chính phủ, nhiều gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã triển khai hàng loạt nỗ lực hỗ trợ công tác kiểm dịch như trang bị thiết bị đo lường nhiệt trên máy bay không người lái (drones) để phát hiện đối tượng nghi nhiễm virus corona, sử dụng sức mạnh công nghệ trong phát triển vaccine và thuốc điều trị virus corona, ra mắt ứng dụng phát hiện người tiếp xúc gần gũi với virus corona thông qua hệ thống giám sát quốc gia… Cho đến nay, chưa có thống kê cụ thể bao nhiêu công nghệ được sử dụng trong nỗ lực kiểm soát virus corona của Bắc Kinh. 

Công nghệ Trung Quốc "ra trận" chống virus corona

Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã nhấn mạnh đổi mới công nghệ là trụ cột của tăng trưởng kinh tế. Trong nỗ lực phát triển ngành công nghệ, Bắc Kinh đã chi hàng tỷ USD cho các khoản trợ cấp, khoản vay và đầu tư để thúc đẩy các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, xe tự hành… với tham vọng cạnh tranh công nghệ cùng Thung lũng Silicon của Mỹ, nơi tập trung những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu hành tinh.

Ngay từ những năm 1980, chính quyền Trung Quốc đã nỗ lực tạo ra “Thung lũng Silicon” của riêng mình khi thành lập những khu vực phát triển công nghệ cao tại nhiều tỉnh thành, tập trung vào lĩnh vực điện tử tiêu dùng, công nghệ sinh học… 168 khu công nghệ cao này đã mang về doanh thu 33.000 tỷ NDT (khoảng 4.700 tỷ USD) trong năm 2018. Coresight Research chỉ ra rằng Chính phủ Trung Ương đã phân bổ khoảng 3,9% ngân sách quốc gia cho phát triển khoa học công nghệ trong năm 2019, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2018.

Lĩnh vực công nghệ cũng là trọng tâm nội dung sáng kiến “Made in China 2025” của Bắc Kinh, một kế hoạch chuyển nền kinh tế sản xuất sang kinh tế công nghệ cao với 10 ngành công nghệ trọng tâm gồm công nghệ tin học thế hệ mới, hàng không vũ trụ, máy công cụ và robot, trang thiết bị giao thông tiên tiến, thiết bị tàu biển công nghệ cao, phương tiện giao thông năng lượng mới, thiết bị điện lực, vật liệt mới, trang thiết bị nông nghiệp, công nghệ sinh học và thiết bị y tế.

Hàng tỷ USD đầu tư của chính quyền Bắc Kinh trong những năm qua đã mang đến nhiều thành tựu không thể phủ nhận. 9 trong số 20 công ty công nghệ giá trị thị trường lớn nhất thế giới năm 2018 nằm ở Trung Quốc, theo báo cáo của công ty đầu tư mạo hiểm Kleiner Perkins.

Giờ đây, khi Trung Quốc gồng mình trong trận chiến virus corona, công nghệ dù không phải “yếu tố quyết định” ngăn chặn sự bùng phát đại dịch, nhưng sẽ phát huy nhiều lợi ích trong việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số như đặt hàng thực phẩm tại nhà, thanh toán di động… để hỗ trợ công tác cách ly hiệu quả hơn - theo ông Daniel Mu, nhà phân tích công nghệ tại Forrester.

Gã khổng lồ Tencent trong tháng này đã cung cấp các cơ sở dữ liệu siêu máy tính nhằm hỗ trợ các nhà nghiên cứu chạy đua với việc nghiên cứu tìm cách điều trị virus corona. Viện Khoa học Đời sống Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa là lực lượng nòng cốt trong dự án này.

Meituan Dianping, hãng giao hàng thực phẩm lớn nhất Trung Quốc cho ra mắt một số robot giao đồ ăn tại Bắc Kinh. Robot này sẽ vận chuyển đồ ăn từ đầu bếp đến tay nhân viên giao hàng và giúp nhân viên giao hàng đưa đồ ăn cho khách chờ đặt hàng thay vì tiếp xúc trực tiếp. Nếu thành công, hãng này sẽ triển khai rộng rãi mô hình robot tại các thành phố khác.

Gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com thì cung cấp ứng dụng robot tự hành vận chuyển hàng hóa đến tay nhân viên y tế tại thành phố Vũ Hán với tuyến đường khoảng 600m để bảo vệ nhân viên giao hàng và khách hàng khỏi nguy cơ lây nhiễm trong tâm chấn dịch bệnh.

“Bạn có thể cho rằng chúng chỉ là mánh lới quảng cáo của doanh nghiệp, nhưng rõ ràng các công ty công nghệ Trung Quốc đang thể hiện sự nhạy bén và đa năng trong bối cảnh dịch bệnh lây lan” - Eliam Huang, một nhà phân tích tại Coresight Research cho biết.
Doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc "ra trận" chống virus corona: phép thử thập kỷ - Ảnh 5.

Một thiết bị drones phát hiện thân nhiệt bất thường tại Bắc Kinh

Công nghệ giám sát cũng phát huy vai trò to lớn trong công tác kiểm soát dịch virus corona. Các máy bay tự hành (drones) trang bị thiết bị đo nhiệt sẽ cho phép quét đám đông và phát hiện đối tượng có nguy cơ nhiễm virus corona nếu thân nhiệt vượt quá mức độ thông thường. Thiết bị được cung cấp bởi MicroMultiCopter, một công ty khởi nghiệp công nghệ có trụ sở tại Thâm Quyến.

Những lợi ích như vậy đang phần nào xua tan nhiều chỉ trích trước đó hướng đến công nghệ giám sát công dân của Bắc Kinh. Các tổ chức nhân quyền trước đây nhiều lần cảnh báo hệ thống giám sát rộng khắp Trung Quốc, sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo để giám sát công dân có thể tạo điều kiện cho những vi phạm quyền tự do cá nhân. Nhưng rõ ràng, trong bối cảnh dịch bệnh, hệ thống giám sát đã phát huy lợi ích của nó.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục