Doanh nghiệp địa ốc “rơi rụng” khỏi thị trường bất động sản

05/01/2020 07:38 GMT+7
Bên cạnh việc không có doanh nghiệp mới, năm 2019, ngành kinh doanh bất động sản dẫn đầu trong nhóm những ngành kinh doanh chính có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, giải thể...

Báo cáo mới đây của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm qua, ngành kinh doanh bất động sản ghi nhận số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động tăng đến 36,8% với 598 doanh nghiệp. Đứng ngay sau đó là lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

Bất động sản cũng là ngành có tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất với 686 doanh nghiệp, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong năm 2019, có 2.029 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với tổng số vốn đăng ký là 25.585 tỉ đồng; có 36.562 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng với tổng số vốn đăng ký là 531.145 tỉ đồng, tăng 5,3% về số doanh nghiệp, tăng 30,2% về số vốn; có 99.548 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ với tổng số vốn đăng ký là 1.173.443 tỉ đồng, tăng 5,1% về số doanh nghiệp, tăng 12,9% về số vốn.

Đặc biệt, không xuất hiện doanh nghiệp thành lập mới trong nhóm bất động sản.

Doanh nghiệp địa ốc “rơi rụng” khỏi thị trường bất động sản - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2019.

Theo ý kiến của một số chuyên gia lĩnh vực bất động sản cho rằng, việc tỷ lệ doanh nghiệp bất động sản ngừng hoạt động và giải thể tăng cao là điều đã được báo trước bởi khó khăn từ thị trường, nguồn vốn mà khu vực này đang vấp phải. Bên cạnh đó là sự sụt giảm các dự án mới ra thị trường thời gian qua.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết có một thực tế là hiện nay, đa số doanh nghiệp bất động sản Việt Nam quy mô khá nhỏ, nguồn vốn phát triển chủ yếu từ vay ngân hàng và huy động từ khách hàng. Trong khi đó, Chính phủ lại có nhiều biện pháp hạn chế dòng vốn vay cho thị trường bất động sản, tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm mạnh, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn nhất định.

Ông Nam lo ngại rằng, trong năm 2020 tới đây doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.

Theo ông, hiện hoạt động tín dụng của ngân hàng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang bị thắt chặt. Cụ thể, lãi suất tiếp tục cao (lãi suất huy động lên 8,7%, cộng thêm biên độ 3% thì lãi suất cho vay lên đến 11 - 12%); nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục giảm từ 45% xuống 40%, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản tăng từ 150% lên 200%… khiến cho ngân hàng phải cẩn trọng hơn trong việc cho vay kinh doanh bất động sản.

Cùng với đó là hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản còn chưa đồng bộ. Hành lang pháp lý điều chỉnh thị trường bất động sản, từ công tác đầu tư xây dựng, giao dịch đến quản lý sử dụng bất động sản chậm được hoàn thiện, còn chồng chéo. Nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, bất cập của cơ chế chính sách nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời dẫn đến thị trường bất động sản chưa được quản lý và kiểm soát một cách hiệu quả.

Cũng theo ông Nam, thị trường bất động sản gặp khó một phần do những chồng chéo, chậm trễ về thủ tục hành chính và những sức ép lớn từ chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp phép dự án mới.

“Việc các cơ quan chức năng chậm phê duyệt cấp phép xây dựng dự án hay tạm dừng dự án đang triển khai để rà soát, kiểm tra… là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung, kéo theo lượng giao dịch bất động sản cũng giảm”, ông Nam nhận định.

Ở góc độ doanh nghiệp, một giám đốc công ty bất động sản cho rằng, trong 12 tháng tới khó có thể kỳ vọng vào kịch bản tươi sáng trong bối cảnh thị trường địa ốc đã liên tục giảm tốc suốt năm 2019. Tiên lượng trước điều này nên các công ty địa ốc đều có sách lược vượt khó để tồn tại. Có thể xem đây là đợt tự sàng lọc quy mô lớn của các doanh nghiệp bất động sản.

Bài toán các công ty địa ốc buộc phải tính đến trong năm 2020 là đối mặt với việc cắt giảm chi tiêu. Không bán được hàng hoặc không có hàng để bán đồng nghĩa với việc doanh số thấp, trong khi còn phải gồng mình trả lãi vay cho các dự án dở dang, nên buộc phải thắt lưng buộc bụng. Các doanh nghiệp sẽ chỉ giữ lại những nhân sự chất lượng, đào thải bớt nhân sự kém hiệu quả và giảm chi phí tuyển dụng cũng như thu hẹp ngân sách marketing vì lý do sống còn.

Theo Dân Việt
Cùng chuyên mục