Doanh nghiệp FDI 'lỗ giả' khiến ngân sách thất thu hàng chục nghìn tỷ
Số liệu được cơ quan Kiểm toán Nhà nước đưa ra tại một hội thảo mới đây cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ chiếm tới 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước. Đặc biệt, khoảng 2.100 doanh nghiệp loại này đang hoạt động tại TP HCM - tương ứng 60% tổng số doanh nghiệp, đã kê khai lỗ nhiều năm.
Theo Kiểm toán Nhà nước, điều bất hợp lý là các doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh dù liên tục thua lỗ với số lỗ luỹ kế lớn. Ngoài ra, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày đều báo lãi thì các doanh nghiệp FDI cùng lĩnh vực lại báo lỗ, dù thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế, tài chính.
Lý giải thực trạng này, cơ quan kiểm toán cho rằng, một phần nguyên nhân xuất phát từ việc doanh nghiệp thực hiện hành vi chuyển giá - khai sai giá trị máy móc, thiết bị nhậ̣p khẩu để góp vốn; giá trị tài sản cố định; các giao dịch liên kết - nhưng chậm được kiểm tra, phát hiện, đã khiến ngân sách thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng trong nhiều năm.
Theo ông Đoàn Xuân Tiên - Phó tổng Kiểm toán Nhà nước, không ít tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp FDI đã thiết lập một hệ thống trung gian phức tạp để mua đi - bán lại hàng hóa, dịch vụ giữa các công ty con, công ty liên kết.
"Họ thường bán hàng trong hệ thống với giá thấp hơn, thậm chí bán 2,3 vòng mới tới tay người tiêu dùng. Do đó, làm giảm nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt", ông Tiên cho biết.
Một phương pháp khác cũng được Phó tổng Kiểm toán Nhà nước nhắc tới khi muốn "biến lãi thành lỗ" là bán sản phẩm, dịch vụ của công ty mình cho các công ty liên kết với giá thấp hơn giá thành, nhưng mua nguyên vật liệu, máy móc của họ với tỷ trọng lớn và mức giá cao hơn.
Ông Tiên cũng cho rằng, việc doanh nghiệp FDI lựa chọn mua sắm nhiều tài sản hữu hình từ bên liên kết so với các nguồn độc lập, dù chúng có thể được mua ngay tại địa phương với ưu điểm thuậ̣n tiện về vậ̣n chuyển, chủ động về thời gian là một dấu hiệu cho thấy họ muốn thực hiện chuyển giá.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Bộ môn kiểm toán thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, nhiều doanh nghiệp FDI thường có lãi trong thời gian được miễn thuế, nhưng báo lỗ sau khi hết thời hạn này. Bà cho rằng, sự thay đổi trong kết quả hoạt động báo cáo (lãi, lỗ) của doanh nghiệp FDI gắn liền với thời điểm phải thực hiện nghĩa vụ thuế cho thấy mục tiêu doanh nghiệp hướng tới là tránh hoặc giảm số thuế phải nộp.
Vì vậy, các giao dịch nội bộ với bên liên kết có thể được định giá theo cách để giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu tránh thuế. Ngoài ra, các khoản chi cho dịch vụ nội bộ và trong cùng hệ thống như đào tạo, tư vấn quản trị, tài chính sẽ chiếm tỉ trọng lớn và kéo dài qua nhiều năm.
"Dịch vụ tư vấn quản trị, đào tạo không có tính tái diễn đều đặn giữa các năm. Do đó, nếu chi phí cho các dịch vụ này diễn ra kéo dài ổn định qua nhiều năm thì đó là điều bất thường", bà Hoa nhận xét.
Chuyên gia này cho rằng, chuyển giá ở dịch vụ khó phát hiện hơn so với ở tài sản vật chất vì các dịch vụ mang tính đặc thù duy nhất, trên thị trường không tồn tại dịch vụ so sánh được nên không có giá thị trường để tham chiếu.
Cũng theo bà Hoa, các đối tượng được chuyển giao, bao gồm: nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ, dịch vụ đào tạo, dịch vụ tư vấn đều có tính đặc thù do độc quyền, trên thị trường không có đối tượng có tính so sánh được. Do đó, không có giá thị trường để so sánh và đánh giá giá chuyển nhượng.
"Nguy cơ chuyển giá ở những đối tượng này cao hơn rất nhiều vì khó có căn cứ để xử phạt doanh nghiệp FDI", bà Hoa nhận xét.
Thậm chí, bà Hoa cho rằng, một số doanh nghiệp FDI không kê khai lỗ vẫn tồn tại khả năng thực hiện chuyển giá. Cơ sở để bà đưa nhận định này là tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp FDI thấp hơn mức trung bình thị trường và thấp hơn so với doanh nghiệp nội địa hoạt động trong cùng lĩnh vực nhưng nhỏ hơn về quy mô, số năm hoạt động và thương hiệu.