Doanh nghiệp Hàn Quốc đổ tiền vào Việt Nam khi Trung Quốc không còn là "mỏ vàng"
Samsung dự kiến sẽ chi 220 triệu USD để xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội đi vào hoạt động trong năm 2020. Còn SK Group mới đây công bố quyết định đầu tư vào tập đoàn lớn nhất Việt Nam Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng để hợp tác trong lĩnh vực sản xuất ô tô và một số ngành kinh doanh bán lẻ khác.
Theo thông tin đăng tải trên tờ Nikkei Asian Review, đầu tư trực tiếp từ doanh nghiệp hàn Quốc vào Việt Nam năm 2019 đã tăng 10% so với cùng kỳ năm trước đó, lên 7,9 tỷ USD, chiếm 20% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Trong đó, gã khổng lồ công nghệ Samsung và ông lớn thương mại Hàn Quốc SK Group là những nhà đầu tư lớn nhất.
Samsung - tập đoàn công nghệ cao hàng đầu Hàn Quốc đã mở nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh từ năm 2009, động thái mở đường cho hàng loạt nhà máy sản xuất của Samsung tiến vào các quốc gia Đông Nam Á. Cho đến nay, hai nhà máy của Samsung tại Việt Nam được cho là cung cấp tới 50% các lô hàng smartphone của tập đoàn này cho thị trường toàn cầu.
Hồi quý III/2019, Samsung SDS (công ty thành viên của Tập đoàn Samsung chuyên về giải pháp IT và logistics) đã chi hơn nghìn tỷ đồng mua lại gần 30 triệu cổ phiếu CMC Group thông qua sàn giao dịch chứng khoán và phát hành riêng lẻ, qua đó trở thành cổ đông lớn nhất của công ty công nghệ thông tin lớn thứ hai Việt Nam.
Nhiều nguồn tin cho hay trung tâm R&D sắp được đầu tư tại Hà Nội được kỳ vọng trở thành một trong những cơ sở nghiên cứu và phát triển chính của Samsung với quy mô 3.000 kỹ sư địa phương.
Về phía SK Group, tập đoàn này tuyên bố hồi tháng 5/2019 sẽ mua lại 6,1% cổ phần Vingroup với giá khoảng 1 tỷ USD. Đại diện SK Group cho hay tập đoàn này nhận thấy cơ hội hợp tác sâu rộng với Vingroup trong lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất ô tô, smartphone...
Trong lĩnh vực ngân hàng, KEB Hana Bank hồi tháng 7/2019 đã ký thỏa thuận mua lại 15% cổ phần Ngân hàng Đầu tư và Phát triển BIDV với giá gần 20.000 tỷ đồng. Ngân hàng thương mại hàng đầu Hàn Quốc tham vọng thông qua mạng lưới chi nhánh của BIDV mở rộng đối tượng khách hàng sang các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhìn chung, dòng vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam đang ngày một tăng mạnh, nhất là sau cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung khiến nền kinh tế toàn cầu giảm tốc và Trung Quốc không còn là điểm đến đầu tư tiềm năng. Hồi năm ngoái, xuất khẩu của Hàn Quốc sang thị trường Trung Quốc - thị trường quan trọng chiếm 1/4 trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc - đã giảm mạnh 16%. Nguyên nhân được cho là do nhu cầu nội địa Trung Quốc suy yếu vì thương chiến Mỹ Trung và thuế quan trừng phạt từ Mỹ. Mới đây nhất, dịch virus corona bùng phát khiến nền kinh Trung Quốc tê liệt nhiều tuần cũng nhắc nhở các nhà đầu tư đa dạng hóa thị trường ra ngoài Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp hiện đang cân nhắc các thị trường thay thế như Việt Nam, Ấn Độ, Myanmar...
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đổ xô sang Việt Nam như một thị trường mới với nhiều cơ hội, tiềm năng kinh doanh mới. Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc sau Trung Quốc và Mỹ, được kỳ vọng sẽ thay thế vị trí thứ hai của Mỹ trong năm 2020. Ước tính có tới 200.000 người Hàn Quốc đang sinh sống và kinh doanh tại Việt Nam.
Sau Hàn Quốc, Hồng Kông là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Việt Nam với vốn đầu tư trực tiếp đạt 38 tỷ USD năm 2019, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước đó. Singapore đứng ở vị trí thứ ba trên BXH đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong khi Nhật Bản tụt xuống vị trí thứ 4 còn Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 5. Năm 2018, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam.
Dù vẫn xếp ở vị trí thứ 5, dòng vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh 65% lên 4 tỷ USD trong năm 2019 do hàng loạt nhà sản xuất Trung Quốc chuyển dịch sang thị trường Việt Nam khi hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế nặng nề.