Doanh nghiệp lâm sản giải bài toán xuất khẩu 20 tỷ USD như thế nào?

30/11/2019 17:11 GMT+7
Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2019, mục tiêu xuất khẩu gỗ, lâm sản là đạt 11 tỷ USD hoàn toàn khả thi. Vấn đề trước mắt các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam cần nghĩ đến là tìm giải pháp để nâng kim ngạch xuất khẩu lên 20 tỷ USD năm 2025 mà Chính phủ đặt ra.

Nhiều năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản luôn tăng trưởng ở Việt Nam luôn đạt mức hai con số. Cụ thể, năm 2018, đạt mức 9,3 tỷ USD, lũy kế 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đã đạt 7,932 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ; xuất siêu đạt 6,06 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Tổng cục Lâm nghiệp nhận định, mục tiêu đạt 11 tỷ USD xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2019 là hoàn toàn khả thi. Trong tương lai, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu cũng được đánh giá sẽ phát triển khả quan do có nhiều điều kiện thuận lợi từ trong và ngoài nước.

Cụ thể, Việt Nam đã ký 2 hiệp định quan trọng với Liên minh châu Âu (EU) là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) tiến tới xóa bỏ gần 99% thuế quan giữa Việt Nam và EU.

Doanh nghiệp lâm sản lo giải bài toán xuất khẩu 20 tỷ USD như thế nào? - Ảnh 1.

Còn nhiều thách thức với mục tiêu "đưa Việt Nam trở thành công xưởng gỗ quốc tế"

Trong đó, mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU, thuế quan sẽ được xóa bỏ trong thời hạn tối đa là 7 năm.

Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, trước đây, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản vào EU và các thị trường khó tính khác cần phải có chứng chỉ của Tổ chức FSC.

Hiện nay Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 50 của PEFC vào ngày 17/6/2019 chuẩn bị cho việc xem xét và phê duyệt Chương trình Chứng nhận quản lý rừng quốc gia Việt Nam theo PEFC (VFCS/PEFC) vào tháng 2/2020.

Trước những thành công và nền tảng vững chắc, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu cho ngành gỗ là đưa Việt Nam trở thành công xưởng, trung tâm sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của thế giới, đến năm 2025 xuất khẩu đạt 20 tỷ USD.

Trước nhiệm vụ trên, theo đánh giá của giới chuyên môn, việc đầu tiên các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam cần nghĩ tới là phải thay đổi, ứng dụng công nghệ, gia tăng nội lực.

Theo đại diện công ty Weinig, doanh nghiệp nắm công nghệ càng tốt, dự tính được xa cho quyết định đầu tư của mình, đó sẽ là lợi thế trong tương lai. Cần phải thiết lập khả năng không chỉ sản xuất các sản phẩm đại trà mà còn sản xuất đơn hàng nhỏ, lẻ một cách linh hoạt.

Ông Bernd Kahnert, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Homag, cho biết thêm: "Vấn đề lớn của DN Việt Nam không chỉ là công nghệ mà còn nhân lực nhận chuyển giao và ứng dụng các công nghệ sản xuất. Thực tế rất khó tìm được nhân lực có trình độ hiểu và có thể vận hành các thiết bị cho nhà máy".

Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia cũng đánh giá, để đạt đến doanh số 20 tỷ USD năm 2025, việc đào tạo lao động cho ngành chế biến gỗ Việt Nam là cấp thiết.

Ông Cao Duy Tâm, Giám đốc Công ty Vetta cho hay, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) đã hợp tác với Đại học Sư phạm kỹ thuật xây dựng khoa Chế biến gỗ, nhưng công tác này cần phát triển để thể tạo ra sự bền vững cho ngành.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, phân tích thêm: "Nếu chỉ dừng lại ở mức duy trì khả năng hiện tại thì cũng đã là bàn thua trong những ngày phía trước của các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, chìa khóa để giải các thách thức trên là phải tư duy lại mô hình sản xuất, ứng dụng công nghệ để gia tăng nội lực. 

Với sự tiến bộ của kỹ thuật sản xuất chính xác công nghệ cao, kết hợp công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, robot... công nghệ chế biến gỗ đang mang lại cho DN nhiều cơ hội cải tiến chất lượng, kiểm soát tốt tiến độ, giảm sự lệ thuộc vào lao động, bùng nổ sản xuất..."

Thanh Phong
Cùng chuyên mục