Doanh nghiệp Mỹ tìm đường xuất khẩu bông sang Việt Nam
Việt Nam - thị trường xuất khẩu bông hàng đầu của Mỹ
Việt Nam đã trở thành địa chỉ tiêu thụ hàng tỷ USD bông nguyên liệu từ các nhà cung cấp của Mỹ trong nhiều năm qua. Năm 2019, với 800.000 tấn bông nhập từ Mỹ, trị giá gần 1,6 tỷ USD, ngành dệt may Việt Nam đã ở trong tầm ngắm "chăm sóc" của các nhà sản xuất bông Mỹ.
Thông tin từ buổi họp báo giới thiệu về Hội thảo trực tuyến chuyên ngành bông Mỹ Cotton Day Vietnam 2020 do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) tổ chức, đại diện CCI cho biết, lượng bông Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ chiếm 25% tổng sản lương xuất khẩu của Mỹ và là quốc gia nhập khẩu bông Mỹ nhiều nhất thế giới.
Là một thị trường xuất khẩu lớn của ngành bông Mỹ, nên khi dịch bệnh tác động đến lượng bông xuất khẩu, đại diện CCI vẫn nỗ lực cùng Vitas tổ chức sự kiện Cotton Day Vietnam 2020.
Ông Hank Reichle, Chủ tịch CCI cho biết, Việt Nam là thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành sản xuất bông Mỹ. Từ nhiều năm nay, CCI giới thiệu toàn bộ chuỗi sản xuất, kinh doanh bông từ trồng trọt, thu hoạch, cán bông,… cho đến vận chuyển, giao hàng tới người mua của Việt Nam.
Với 18.500 nông trường và 553 nhà máy cán bông, bông Mỹ được sản xuất và kiểm tra theo một quy trình nghiêm ngặt hàng đầu thế giới, đáp ứng được các yêu cầu cao nhất về chất lượng và môi trường đã trở thành lựa chọn hàng đầu và được ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp dệt may.
Cotton Day Vietnam 2020 với chủ đề Dẫn đầu qua thời kỳ biến động: "Đối tác của doanh nghiệp dệt may trong thời kỳ mới” lần đầu tiên tổ chức dưới hình thức Hội thảo trực tuyến vào 22/9. Sự kiện này được các nhà sản xuất bông Mỹ kỳ vọng kết nối thêm được nhiều nhà mua hàng mới từ Việt Nam.
Ngành kéo sợi Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu bông nhập khẩu (chiếm 98% tổng lượng bông sử dụng). Lượng bông nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh trong 10 năm trở lại đây, từ 150.000 tấn trong năm 2005 lên khoảng 1,2 triệu tấn trong năm 2016 và 1,6 triệu tấn vào năm 2019. Trong đó bông Mỹ luôn chiếm tỷ trọng lớn.
Kỳ vọng của ngành may mặc trong tương lai
8 tháng đầu năm nay, nhập khẩu bông của nước ta không tránh khỏi sụt giảm bởi dịch bệnh, đạt 1 triệu tấn, trị giá 1,62 tỷ USD, giảm 15,1% về trị giá so với cùng kỳ.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, bông Mỹ là một trong những sự lựa chọn có đóng góp rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu mở rộng ngành công nghiệp dệt may Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc.
Tính đến hết tháng 8/2020, ngành dệt may đã xuất khẩu được 19 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ 2019. Mục tiêu trong năm 2020 của ngành là cán mốc 40 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Giang cho rằng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn tới nhiều thị trường nhập khẩu truyền thống của ngành ngành dệt may Việt Nam giảm nhập khẩu xuất khẩu.
Đặc biệt có mặt hàng giảm đến 80 - 90%. Theo đó, khả năng xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2020 chỉ đạt khoảng 32,5 tỷ USD.