Doanh nghiệp Nhật ào ào xếp hàng nhận trợ cấp "thoát Trung"

09/09/2020 16:35 GMT+7
Các doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng quan tâm mạnh mẽ đến những khoản trợ cấp mà chính phủ hứa hẹn hỗ trợ cho việc chuyển dịch nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Doanh nghiệp Nhật ào ào xếp hàng nhận trợ cấp "thoát Trung" - Ảnh 1.

Hàng nghìn doanh nghiệp Nhật Bản gửi đơn đăng ký nhận trợ cấp rời Trung Quốc

Hồi đầu năm nay, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố dành ra 220 tỷ JPY (2,07 tỷ USD) trong ngân sách bổ sung cho năm tài chính 2020 để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản rời dây chuyền sản xuất ra khỏi thị trường Trung Quốc.

Trong vòng xét duyệt đầu tiên kết thúc vào tháng 6, đã có 57 dự án “thoát Trung” về Nhật Bản trên tổng số 90 đơn đăng ký của doanh nghiệp được chính phủ phê duyệt với tổng giá trị trợ cấp hơn 57,4 tỷ JPY. 30 dự án khác được phê duyệt nhận trợ cấp trị giá 23,5 tỷ JPY để di dời từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á khác.

Vòng xét duyệt thứ hai vào tháng 7 qua nhận được số đơn đăng ký khổng lồ - 1.670 đơn với tổng trị giá trợ cấp đề xuất ước tính 1,76 nghìn tỷ JPY, tức gấp 11 lần số tiền còn lại trong ngân sách trợ cấp. Các cơ quan chức năng Nhật Bản đang xem xét 1.670 dự án này và dự kiến sẽ công bố danh sách dự án được phê duyệt nhận trợ cấp vào tháng 10.

Mặc dù chính phủ Nhật Bản hiện chưa có kế hoạch gia tăng ngân sách trợ cấp cho doanh nghiệp rời thị trường Trung Quốc, nhưng một số ứng cử viên sáng giá trên đường đua tranh cử Thủ tướng thay thế ông Shinzo Abe đã đề cập đến các biện pháp hỗ trợ bổ sung để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. 

Ace Nhật Bản là một trong những doanh nghiệp được phê duyệt nhận trợ cấp trong đợt đầu tiên. Nhà sản xuất dược phẩm này dự kiến sẽ khởi công xây dựng một nhà máy ở tỉnh Yamagata vào mùa hè năm 2021, dù trước mắt vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc.

Iris Ohyama, một doanh nghiệp khác cũng nhận trợ cấp trong đợt đầu tiên, hiện đã sử dụng tiền trợ cấp để xây dựng nhà máy sản xuất khẩu trang trong nước. Kể từ tháng 6/2020, Iris Ohyama đã bắt đầu sản xuất dây chuyền khẩu trang đầu tiên tại nhà máy Kakuda, tỉnh Miyagi, miền bắc Nhật Bản. Nhà máy đặt mục tiêu sản xuất 150 triệu khẩu trang y tế mỗi tháng kể từ tháng 8/2020.

Showa Glove, một nhà sản xuất khác cũng được phê duyệt nhận trợ cấp chính phủ để rời Trung Quốc, có kế hoạch bắt đầu sản xuất găng tay cao su trong nước sớm nhất là vào mùa xuân năm 2023. Trước đó, công ty này đặt nhà máy ở Trung Quốc, chủ yếu xuất găng tay cao su sang thị trường Malaysia, nhưng đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn nguồn cung trầm trọng.

Những động thái như vậy thể hiện sự hưởng ứng của doanh nghiệp Nhật Bản trước lời kêu gọi mà ông Shinzo Abe đưa ra trong cuộc họp Hội đồng Đầu tư Chính phủ Nhật Bản hồi tháng 4 năm nay: “Đại dịch Covid-19 đã khiến các sản phẩm từ Trung Quốc ít đến được Nhật Bản. Chúng ta đều đang lo lắng về chuỗi cung ứng trong nước… Chúng ta nên cố gắng di chuyển dây chuyền sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao trở về Nhật Bản. Với các sản phẩm khác, chúng ta nên đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các quốc gia như ASEAN”. 

Yasuyuki Todo, giáo sư kinh tế tại Đại học Waseda,Tokyo nhận định các chính sách kêu gọi doanh nghiệp Nhật về nước đã được khởi xướng từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhưng “cú sốc từ đại dịch đã thúc đẩy xu hướng này trở nên mạnh mẽ”.

Một doanh nghiệp Nhật Bản đăng ký trợ cấp cũng thừa nhận với tờ Nikkei Asian Review rằng: “Chúng tôi đã quyết định sẽ chuyển sản xuất về nước ngay cả khi không nhận được trợ cấp”.

Thị trường Trung Quốc cũng đang mất dần sức hấp dẫn với tư cách công xưởng sản xuất thế giới khi chi phí lao động ngày một tăng lên. Một cuộc khảo sát được Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản thực hiện năm 2019 trên hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy; nếu lấy chi phí sản xuất ở Nhật Bản làm mốc cơ sở 100 thì chi phí sản xuất ở Trung Quốc đạt khoảng 80 còn Việt Nam hấp dẫn hơn một chút, ở mức 74.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục