Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng lo thách thức từ FTA và cuộc chiến thương mại Mỹ Trung
Báo cáo tại đại hội, ông Nguyễn Lê Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ TP. Đà Nẵng cho biết, giai đoạn 2013-2018, số lượng DN trên địa bàn phát triển tăng bình quân trên 10%/năm, với gần 22.032 DN, với tổng vốn đăng ký 129.297 tỷ đồng, giải quyết việc làm bình quân hàng năm trên 31.000 người. Tổng vốn từ đầu tư DN chiếm 65-70% tổng vốn đầu tư trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, thành phố chưa thu hút được các tập đoàn, DN lớn từ các địa phương về Đà Nẵng dẫn đến nguồn thu ngân sách nhà nước do DN đóng góp tăng, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đóng góp khoảng 75-85% tổng thu ngân sách của thành phố.
Bên cạnh đó, trong các năm qua, Hiệp hội đã nhiều lần hội ý, tọa đàm, thu thập ý kiến của DN hội viên nhằm kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo thành phố về những giải pháp cũng như chính sách, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển. Qua đó, đã có ít nhất 20 DN được vay gần 50 tỷ đồng từ nguồn vốn của Quỹ đầu tư phát triển thành phó và Quỹ bão lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ thành phố.
Hiệp hội cũng tham gia nhiều hoạt động, chương trình hỗ trợ ngư dân khó khăn trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Cộng đồng DN cũng chung tay xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam, gia đình khó khăn, thiên tai, bão lũ …với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại đại hội, ông Phạm Phú Hòa, Giám đốc Công ty CP tư vấn và thiết kế xây dựng Đà Nẵng cho biết, dù là một trong những thành phố lớn trong cả nước, lại có vị trí thuận lợi nhưng có lẻ nhiều năm qua, các DN của Đà Nẵng chưa đủ khả năng vươn lên để tận dụng những cơ hội do các FTA (Hiệp định Thương mại tự do) mang lại.
Ông Hòa dẫn chứng, năm 2018, Đà Nẵng chỉ xuất khẩu được 1,5965 tỷ USD, chiếm 0,656% kim ngạch xuất khẩu cả nước, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành (năm 2017 xếp thứ 20). Trong khi TP.HCM xếp thứ 1 và chiếm 15,62% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tương ứng Hà Nội là 6 và 5,713%; Hải Phòng là 7 và 4,77%, Cần Thơ là 20 và 0,706%.
Đáng lo ngại là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Đà Nẵng năm 2018 so với năm 2017 chỉ đạt 4,7%. Trong khi con số này của TPHCM là 6,8%; Hải Phòng là 41,4% và Cần Thơ là 19,4%.
Cũng trong năm 2018, Đà Nẵng chỉ nhập khẩu được 1,364 tỷ USD, chiếm 0576% kim ngạch nhập khẩu cả nước, xếp thứ 25/63 tỉnh thành (năm 2017 xếp thứ 21). Trong khi Hà Nội xếp thứ 2, Hải Phòng xếp thứ 7. Và lo ngại nhất là tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Đà Nẵng năm 2018 so với năm 2017 chỉ đạt 1,7% trong khi con số này của TPHCM là 8,1%; Hải Phòng là 48,7%, Hà Nội là 6,7%.
Ông Hòa cho biết thêm, bình quân đầu người về kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2018 là 5.072 USD thì TP.Đà Nẵng chỉ đạt 3.058 USD. Mặt hàng xuất khẩu chỉ tập trung chủ yếu ở 3 nhóm hàng là dệt may chiếm 25,9%; động cơ, thiết bị điện, điện tử chiếm 32,3% và thủy sản chiếm 11,9%.
"Với bức tranh trên, nếu không nỗ lực vượt bậc từ cả phía chính quyền và cộng đồng DN thì Đà Nẵng không những không tận dụng được nhưng cơ hội mà còn phải đón nhận những thách thức do các Hiệp định Thương mại tự do và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mang lại. Do đó, DN vừa và nhỏ muốn tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức trên phải hợp tác, liên kết với các DN khác cùng đầu tư, phát triển; Kịp thời phản ảnh, kiến nghị với các cơ quan hữu quan về những vấn đề gian lận thương mại, phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm…để nhà nước có thể thực hiện các biện pháp bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của DN", ông Hòa đề xuất.
Phát biểu tại đại hội, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Hiệp Hội DNVVV tiếp tục là cầu nối giữa DN và các cơ quan quản lý, kịp thời thông tin, đồng hành cùng DN đề xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển bền vững, lớn mạnh…tạo việc làm cho người lao động và đóng góp vào ngân sách thành phố ngày càng nhiều hơn.