Doanh nghiệp xi măng: Xuất khẩu nhiều, thu tiền ít

29/09/2020 15:40 GMT+7
8 tháng năm 2020, xuất khẩu xi măng, clinker vẫn gia tăng mạnh về sản lượng với 23,5 triệu tấn, tăng 3 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng ngoại tệ mang về không tăng, mà còn giảm.

Nghịch lý

Nhìn vào sản lượng xi măng và clinker xuất khẩu trong 8 tháng của năm 2020, có thể thấy, ngành xi măng đang xuất nhiều, nhưng ngoại tệ thu về lại ít.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, lũy kế 8 tháng, lượng xi măng xuất khẩu đạt hơn 23,5 triệu tấn, trị giá gần 866 triệu USD, tăng 13,7% về lượng, nhưng giảm khoảng 1% về trị giá so với cùng kỳ (8 tháng của năm 2019 xuất khẩu 20,6 triệu tấn, nhưng mang về 871 triệu USD). Trong tháng 9 này, ước tính xi măng xuất khẩu 2,7-3 triệu tấn, nhưng giá vẫn rẻ. Rõ ràng, ngành xi măng đang xuất nhiều, nhưng thu về không tương xứng.

8 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc gần 12,6 triệu tấn xi măng, clinker, trị giá hơn 415,5 triệu USD, chiếm gần 53% về lượng và hơn 47% tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng của cả nước. Tiếp đến là thị trường Philippines với gần 4,5 triệu tấn, trị giá hơn 205 triệu USD, chiếm tỷ trọng 18,8% về lượng và 23,2% tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng. Thị trường lớn thứ 3 là Bangladesh hơn 1,7 triệu tấn, trị giá hơn 58 triệu USD, Đài Loan gần 1 triệu tấn, trị giá hơn 33,6 triệu USD…

Doanh nghiệp xi măng: Xuất khẩu nhiều, thu tiền ít - Ảnh 1.

8 tháng năm 2020, xuất khẩu xi măng, clinker vẫn gia tăng mạnh về sản lượng với 23,5 triệu tấn, tăng 3 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng ngoại tệ mang về không tăng, mà còn giảm.

Xuất khẩu nhiều nhưng thu về ít, bên cạnh câu chuyện muôn thủa là giá xuất thấp, còn một thực tế là lượng clinker xuất bán vẫn chiếm tỷ trọng quá lớn so với bán xi măng.

Cụ thể, năm 2019, ngành xi măng xuất 34 triệu tấn, trong đó chỉ có 11,4 triệu tấn xi măng, còn tới 22,6 triệu tấn là clinker. Giá clinker thường thấp hơn xi măng từ 10-17 USD/tấn. Những doanh nghiệp có giá tốt chủ yếu rơi vào liên doanh như Nghi Sơn, Phúc Sơn, Insee...

Phổ giá xuất khẩu clinker năm 2019 thường chỉ đạt 38 USD/tấn. Phổ giá xuất khẩu xi măng của Việt Nam cũng chỉ khoảng 45 USD/tấn, những doanh nghiệp chốt được giá xuất trên 50 USD/tấn chiếm tỷ trọng không nhiều.

Gia tăng nhập khẩu than

Xi măng là ngành không được nhiều quốc gia khuyến khích xuất khẩu, bởi thâm dụng tài nguyên không thể tái tạo, lợi thế cạnh tranh không lớn, chi phí vận chuyển cao và đặc biệt, giá trị gia tăng thấp.

Sau một quá trình đầu tư dồn dập, nguồn cung xi măng trong nước đã vượt cầu gần 40 triệu tấn. Để tiêu thụ hết sản phẩm làm ra, các doanh nghiệp xi măng buộc phải tìm đường xuất khẩu để tránh tồn kho, dù có thời điểm giá xuống thấp.

Năm 2018, xi măng đã gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu trên 1 tỷ USD với sản lượng xuất đi đạt 31,6 triệu tấn, trị giá 1,246 tỷ USD, đơn giá bình quân chưa đầy 40 USD/tấn. Năm 2019 tiếp tục là năm thành công về xuất khẩu của xi măng, clinker, với tổng sản lượng đạt xấp xỉ 34 triệu tấn (cao nhất từ trước tới nay), trị giá 1,394 tỷ USD, là năm thứ 2 lọt top câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD.

Nhưng, mặt trái của ngành này là càng xuất khẩu nhiều thì càng nhập khẩu than nhiều.

Năm 2018, cả nước phải chi 2,27 tỷ USD để nhập 21,4 triệu tấn than, tăng 61,4% so với năm 2017. Giá than nhập khẩu trung bình là 112 USD/tấn, đã tăng 7% so với giá của năm 2017. Đến năm 2019, chi nhập than đã lên tới 43,5 triệu tấn, trị giá 3,75 tỷ USD. Cùng với nhiệt điện, sắt thép, hóa chất, xi măng là một trong số các hộ tiêu thụ nhiều than nhất.

Bộ Xây dựng ước tính nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành năm 2020 đạt khoảng 101 - 103 triệu tấn, tăng 4 - 5% so với năm 2019, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 69 - 70 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 32 - 34 triệu tấn. Đây là mức tiêu thụ dự kiến được đưa ra từ cuối năm 2019, hoàn toàn chưa tính đến yếu tố bất ngờ là Covid-19.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Giám đốc một doanh nghiệp xi măng lớn tại miền Trung phân tích, xuất khẩu xi măng, clinker là con dao hai lưỡi. Trong ngắn hạn, việc xuất khẩu nhiều có thể giải tỏa năng lực sản xuất trong nước, nhưng về lâu dài, đây không phải là giải pháp bền vững. Xi măng là ngành khai thác tài nguyên không tái tạo, xuất khẩu nhiều sẽ làm cạn kiệt tài nguyên, nhất là trong bối cảnh bị ép giá, lợi nhuận không lớn.

Được biết, để sản xuất ra 1 tấn clinker, cần 1,2 triệu tấn đá vôi, 350 kg đất sét, 15 - 20 kg đất giàu sắt, ô xít sắt, 110 - 120 kg than cám và phải sử dụng khoảng 60 kWh điện. Còn nguyên liệu để sản xuất 1 tấn xi măng PCB40 gồm 65% clinker, 4% thạch cao, hơn 30% còn lại là phụ gia, chất độn để nghiền xi măng gồm: 10% đá vôi, 10% tro bay hoặc xỉ lò cao, kèm các loại đá phụ gia, sử dụng 40 kWh điện.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, trong điều kiện hiện tại của ngành xi măng, vẫn cần phải đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thì doanh nghiệp mới ổn được, nhưng mấu chốt là giá bán cần được đàm phán ở mức hợp lý, tránh sản lượng thì tăng mạnh, nhưng giá xuất khẩu lại giảm thì khó bền vững.

Để giải quyết lượng hàng đã sản xuất, giảm tồn kho, các chuyên gia cho rằng, cần giảm tối đa việc xuất nguyên liệu thô là clinker với giá quá thấp, chủ động đàm phán để tăng xuất xi măng, cùng với phải đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, triển khai các dự án trọng điểm.

Hiện tổng tiêu thụ trong nước khoảng 67-69 triệu tấn, trong khi đó tổng công suất của ngành xi măng khoảng trên 100 triệu tấn. Nếu không xuất khẩu được sẽ dư thừa lớn và nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào cảnh khó khăn.

Thế Hoàng/baodautu.vn
Cùng chuyên mục