Đối tác Apple lãi kỷ lục

16/04/2022 08:06 GMT+7
Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới lãi đậm 7 tỷ USD, giữa bối cảnh thế giới vẫn đối mặt với cơn khủng hoảng bán dẫn.

TSMC, hãng gia công chất bán dẫn lớn nhất thế giới, vừa chia sẻ tình hình kinh doanh rất khả quan trong quý I/2022. Cụ thể, lợi nhuận của hãng sản xuất chip đạt 7 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu của TSMC tăng 35,5% và biên lợi nhuận gộp cũng tăng mạnh 55,6% trong 3 tháng đầu năm. TSMC dự báo doanh thu quý II/2022 sẽ nằm trong khoảng 17,6-18,2 tỷ USD, so với 13,29 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Đối tác Apple lãi kỷ lục - Ảnh 1.

Nhiều sản xuất chip toàn cầu đang chạy đua mở rộng năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu bán dẫn của thế giới. Ảnh: Reuters.

Hiện TSMC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có khách hàng là các công ty lớn như Apple, Qualcomm, NVIDIA.

Nhà sản xuất chip Đài Loan thậm chí còn có kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD trong 3 năm tới để đáp ứng nhu cầu sản phẩm bán dẫn đang tăng. Cụ thể, hãng sẽ nâng mức đầu tư lên khoảng 40-44 tỷ USD trong năm nay, từ mức 30 tỷ USD của năm 2021. Đồng thời, TSMC cho rằng mức tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022 của mình vẫn sẽ vượt xa kỳ vọng 25-29%.

Thiếu hụt nguồn chip

Tuy nhiên, những nhà cung cấp linh kiện của TSMC đang phải đối mặt với những thách thức lớn đến từ đại dịch Covid-19 và nguồn cung hạn chế. Theo CEO C.C. Wei, những hãng cung cấp linh kiện này hiện không thể đáp ứng lượng chip bán dẫn cần thiết cho TSMC.

Do đó, hãng đang nỗ lực giải quyết các vấn đề trong chuỗi cung ứng với các nhà cung cấp thiết bị. TSMC liên tục trao đổi với lãnh đạo cấp cao của của các hãng này để kịp thời theo dõi tiến độ làm việc, đồng thời gửi nhân viên đến để hỗ trợ.

“Đối tác của chúng tôi đang phải đối mặt với những thách thức trong việc cung ứng do ảnh hưởng của Covid-19 lên nhân công, linh kiện và chip”, ông Wei cho biết. Mặt khác, trước những diễn biến căng thẳng của đại dịch, việc kéo dài thời gian giao hàng còn ảnh hưởng đến cả những sản phẩm trọng điểm lẫn những mặt hàng cũ của hãng.

Đối tác Apple lãi kỷ lục - Ảnh 2.

Triển vọng đơn hàng trong thời gian tới của TSMC vẫn rất tích cực do nhu cầu bán dẫn tăng. Ảnh: AP.

TSMC có thể còn phải đối mặt với tình trạng chi phí gia công tăng cao do nguyên liệu đắt đỏ. Chủ tịch Mark Liu của hãng còn khẳng định ngành công nghiệp bán dẫn đang phải gánh chịu những hậu quả của việc tăng chi phí.

Dù nhu cầu linh kiện bán dẫn tăng cao, Wei nhận thấy thị trường smartphone, PC và máy tính bảng đang có dấu hiệu chững nhẹ.

“Trong khi đó, những sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp như điện toán hiệu năng cao (HPC) hay ôtô vẫn sẽ làm tốt”, ông Wei cho hay. Theo ông, nhu cầu sản phẩm bán dẫn vẫn sẽ tiếp tục phát triển trong vài năm tới nhờ những xu hướng trong ngành như 5G, điện toán hiệu năng cao.

Nhu cầu bán dẫn tăng

“Năng suất của TSMC hứa hẹn vẫn sẽ tiếp tục mạnh mẽ xuyên suốt năm 2022”, vị CEO khẳng định. Đồng thời, nhiều khách hàng còn kỳ vọng lượng chip có sẵn sẽ tăng cao trong thời gian tới để phòng những rủi ro trong dịch Covid-19 và nhu cầu bán dẫn tăng.

Lợi nhuận từ mảng smartphone, đặc biệt là với đối tác Apple, tăng nhẹ 1% so với quý trước do không phải trong mùa mua sắm. Mặt khác, Apple cũng dự tính cắt giảm sản lượng iPhone và AirPod do tình hình chiến sự ở Ukraine và lạm phát tăng cao làm nhu cầu sở hữu những sản phẩm này chững lại.

Thế nhưng, các chuyên gia phân tích lại có nhiều ý kiến trái chiều về tình hình sắp tới của đại gia sản xuất chip toàn cầu này.

“Những rủi ro trong cung ứng và nhu cầu mua chip đang tăng cao. Về phía nhà cung cấp, các thiết bị bán dẫn đang dần trở nên khan hiếm do thiếu hụt linh kiện. Điều này sẽ kìm hãm khả năng phát triển của các hãng hoặc thậm chí là chặn đứng nguồn hàng. Đồng thời, lạm phát cũng là một trong những thách thức lớn”, Aaron Jeng, chuyên gia tại công ty Nomura Securities cho biết. Ngoài ra, xu hướng sở hữu PC, TV hay smartphone để làm việc tại nhà cũng dần suy yếu.

Trong khi đó, Mark Li, nhà phân tích của công ty Sanford. C. Bernstein lại cho rằng nhu cầu mua các sản phẩm chủ lực của TSMC sẽ giúp hãng vượt qua mọi nhiễu loạn trên thị trường bán dẫn.

“Các đối tác như Apple, Qualcomm và MediaTek sẽ sử dụng chip trên tiến trình 4 nm của TSMC cho dòng sản phẩm flagship của họ. Trong khi đó, AMD và NVDIA sẽ đặt hàng bộ vi xử lý tiến trình 5 nm. Điều này sẽ giúp lợi nhuận của TSMC và giá bán trung bình của hãng tăng mạnh”, ông Li nhận định.

Theo Dexter Thillien, chuyên gia phân tích mảng công nghệ và viễn thông tại EIU, tình trạng thiếu hụt chip vẫn sẽ tiếp diễn đến cuối năm 2022 và thậm chí là đến đầu năm 2023 do sức chứa hạn chế. Tuy vậy, xu hướng trong thời gian sắp tới vẫn có nhiều dấu hiệu tích cực. “Chúng ta chỉ đang ở buổi đầu của công nghệ 5G. Mặt khác, mảng kinh doanh ô tô sẽ cần sử dụng nhiều chip hơn, đặc biệt là dòng xe điện”, ông khẳng định.


Theo Zing
Cùng chuyên mục