Đối tác ngoại ”đọc vị” thị trường tiền tệ quý cuối năm
Thận trọng
Trước câu hỏi về động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua sẽ tác động như thế nào đến thị trường, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nêu quan điểm: "Khó để đề cập chính xác tác động của quyết định hạ lãi suất sẽ như thế nào, bởi cơ chế chuyển đổi lãi suất dẫn tới những thay đổi trong hoạt động kinh tế là một quá trình phức tạp và cần có thời gian. Tuy nhiên, theo dõi thị trường hiện nay cho thấy chưa có tác động rõ rệt".
Ông Eric Sidgwick giải thích thêm, tại Việt Nam, chính sách tiền tệ được vận hành chủ yếu thông qua việc kiểm soát, định lượng bằng số lượng cụ thể, nghĩa là có ngưỡng về tín dụng cho các ngân hàng.
Trong khi đó, lãi suất liên quan tới giá, được dùng như một công cụ có tác động gián tiếp so với công cụ về số lượng.
Việt Nam chủ yếu vẫn sử dụng những mục tiêu về định lượng trong kiểm soát chính sách tiền tệ nhưng thời gian tới, NHNN dần dần sẽ chuyển sang công cụ gián tiếp trong việc kiểm soát tiền tệ, ví dụ như giá, lãi suất.
"Chính sách điều chỉnh lãi suất điều hành sẽ có tác động tới thanh khoản và lãi suất của các ngân hàng hay không, cần tìm hiểu kỹ lưỡng và có thêm dữ liệu để đưa ra nhận định", ông Eric Sidgwick nói.
Dẫu vậy, ông Eric Sidgwick cho rằng, mục tiêu giảm lãi suất điều hành của cơ quan quản lý nhằm tạo tín hiệu cho thị trường thấy NHNN rất thận trọng và quan tâm đến cả mục tiêu tăng trưởng và duy trì lạm phát.
Khi tăng trưởng cao và lạm phát thấp như hiện nay sẽ trở thành "cặp bài trùng" không có xung đột, nhưng nếu tăng trưởng sụt giảm và lạm phát gia tăng thì xung đột sẽ khó giải quyết cho NHNN.
"NHNN sẽ tập trung nhiều hơn vào mục tiêu kiểm soát lạm phát và ít tập trung hơn vào mục tiêu tăng trưởng. Ðiều này chỉ có thể thực hiện được qua việc dịch chuyển từ kiểm soát định lượng sang cơ chế chuyển đổi giá.
NHNN đang triển khai việc này với sự hỗ trợ của một số đối tác phát triển. Do đó, kiểm soát tín dụng trong năm nay có tác động nhiều hơn so với chính sách lãi suất", ông Eric Sidgwick nói.
Nhận định về đợt cắt giảm lãi suất kể từ tháng 7/2017, ông Edward Lee, Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế phụ trách khu vực ASEAN và Nam Á của Standard Chartered Bank cho rằng, đây là động thái mang tính đón đầu trong bối cảnh Việt Nam phụ thuộc vào nhu cầu của thế giới để thúc đẩy tăng trưởng với xuất khẩu là động lực chính.
Trong ngắn hạn, đợt hạ lãi suất sẽ không có nhiều tác động lên tăng trưởng tín dụng và chi phí đi vay; thanh khoản ở thị trường trong nước tiếp tục dồi dào và chi phí đi vay qua đêm hiện ở gần mức thấp nhất trong năm.
"Khả năng sẽ không có thêm động thái nào liên quan đến chính sách tiền tệ từ phía NHNN trong thời gian từ nay đến cuối năm", ông Edward Lee nói.
Ông Phạm Hồng Hải, Thành viên Hội đồng thành viên HSBC Việt Nam cho rằng, quyết định hạ lãi suất của NHNN theo xu hướng chung của các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Nhiều khả năng NHNN sẽ giữ chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và sẽ có những điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất trên thị trường trên cơ sở kỳ vọng từ nay đến cuối năm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục điều chỉnh giảm tiếp lãi suất. NHNN cũng cần đảm bảo bước "đệm" tương đối ổn định đề phòng cú sốc hay bất ổn của kinh tế thế giới.
Duy trì đồng nội tệ ổn định
Ðối với thị trường ngoại hối, ông Eric Sidgwick cho biết, nhiều nước trên thế giới đã bị tác động mạnh mẽ bởi thương chiến Mỹ - Trung, đặc biệt đồng nội tệ của một số nước đã mất giá, trong khi tỷ giá VND không biến động quá nhiều.
Thực tế thị trường cho thấy, nếu như đồng Bath (THB) của Thái Lan đi ngược xu hướng và tăng giá so với đồng USD thì VND vẫn gần như đứng im trong thời gian qua, bất chấp chỉ số DXY - đo lường sức mạnh đồng bạc xanh, giữ ở mức cao và có thời điểm lên 99 điểm.
Hiện nay, cán cân thương mại thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng cao cùng tăng trưởng kinh tế ổn định đang là những động lực chính cho VND.
Theo sau quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN, VND bắt đầu giảm giá nhẹ so USD với mức tăng 0,35% trong nửa đầu tháng 9. So với đầu năm, tỷ giá USD/VND tăng 0,3%.
Trao đổi với phóng viên, ông Divya Devesh, Trưởng nhóm nghiên cứu ngoại hối khu vực ASEAN và Nam Á của Standard Chartered Bank nói: "Chúng tôi có quan điểm trung lập về USD - VND, với xu hướng tăng giá VND rất khiêm tốn. Chúng tôi dự báo tỷ giá ở mức 23.100 VND/USD vào cuối năm 2019 và ở mức 23.000 VND/USD vào giữa năm 2020.
Nhìn chung, cán cân thanh toán sẽ duy trì ở mức tích cực với VND. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ có báo cáo thặng dư thương mại vào năm 2019. Chúng tôi cũng dự báo thặng dư cán cân vãng lai là 2,9% GDP. Ngoài ra, dòng vốn FDI chảy vào cũng ở mức tích cực. Với nhiều yếu tố hỗ trợ, chúng tôi cho rằng, VND sẽ tăng giá nhẹ trong trung hạn".
Ông Hải chia sẻ: "Cùng với nguồn dự trữ ngoại hối lớn, vốn FDI, FII, kiều hối tiếp tục chảy về nên NHNN vẫn chủ động điều hành thị trường ngoại hối. Tỷ giá nhiều khả năng chỉ tăng trong khoảng 1-2% trong năm 2019, dao động ở mức 23.550 VND/USD".
"Ðể giảm sức ép trong việc điều hành chính sách tiền tệ cho NHNN trong bối cảnh hiện nay, cần cải tổ ngân hàng trong vấn đề nợ xấu, các ngân hàng thương mại cần sớm đáp ứng tiêu chuẩn Basel II. Ðặc biệt, NHNN chuyển từ điều hành kinh tế vĩ mô sang công cụ điều hành tỷ giá một cách linh hoạt", ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Việt Nam nói.
Ông Joseph Incalcaterra, chuyên gia kinh tế ASEAN cao cấp của HSBC cho biết, sức khỏe của hệ thống ngân hàng đang được cải thiện. Lợi nhuận của các ngân hàng thương mại Việt Nam đang tăng trưởng, trong khi nợ xấu đang giảm dần.
Các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đang bước vào cuộc đua tái cấu trúc vốn để nâng cao năng lực tài chính và hướng đến sự ổn định. Tuy hệ số an toàn vốn tối thiểu đã sụt giảm liên tiếp, đặc biệt tại những ngân hàng có vốn nhà nước, nhưng vẫn có những dấu hiệu tích cực trong cuộc đua tái cấu trúc vốn này.