Đòn đau chồng chất: FCC cấm doanh nghiệp Mỹ mua thiết bị viễn thông Huawei và ZTE

01/07/2020 10:48 GMT+7
Hôm 30/6, Ủy ban Viễn thông Liên bang Mỹ đã chỉ định hai công ty Trung Quốc là Huawei và ZTE là mối đe dọa an ninh viễn thông, đồng thời cấm các doanh nghiệp Mỹ sử dụng quỹ trợ cấp để mua thiết bị từ hai công ty này.
Mỹ cấm doanh nghiệp mua thiết bị viễn thông Huawei và ZTE trong nỗ lực "đàn áp" mới nhất - Ảnh 1.

FCC Mỹ cấm doanh nghiệp mua thiết bị viễn thông Huawei và ZTE trong nỗ lực "đàn áp" tiếp theo

Động thái được đưa ra ít lâu sau khi Bộ Tư pháp Mỹ công bố danh sách các công ty Trung Quốc được hậu thuẫn bởi Quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó có tên Huawei và ZTE. Chủ tịch Ủy ban Viễn thông Liên bang Ajit Pai cho hay: “Dựa trên những bằng chứng đầy sức nặng, chúng tôi đã xác định hai công ty Huawei, ZTE cũng như các chi nhánh, công ty con của chúng là một rủi ro an ninh quốc gia đe dọa mạng viễn thông của Mỹ và tương lai 5G của đất nước”.

“Cả hai công ty đều có mối liên hệ mật thiết với Đảng Cộng sản và bộ máy quân sự Trung Quốc. Cả hai công ty đều phải tuân theo luật pháp Trung Quốc buộc họ phải hợp tác tiết lộ thông tin tình báo quốc gia” - ông Ajit Pai nói thêm.

Theo chỉ định mới nhất của Ủy ban Viễn thông Liên bang, các công ty công nghệ Mỹ từ nay sẽ không được phép sử dụng số tiền từ quỹ trợ cấp trị giá 8,3 tỷ USD hàng năm của FCC để mua bất kỳ thiết bị hoặc dịch vụ nào từ hai nhà cung cấp Trung Quốc là Huawei và ZTE. Quyết định có hiệu lực ngay lập tức kể từ thời điểm ban hành.

Thông báo hôm 30/6 của FCC là bước tiến mới trong nỗ lực hạn chế thiết bị viễn thông 5G do các công ty Trung Quốc sản xuất vào cơ sở hạ tầng viễn thông của Mỹ. 

Hồi tháng 3 năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng ký dự luật cấm các nhà mạng viễn thông nông thôn sử dụng trợ cấp của chính phủ để mua thiết bị mạng từ các công ty Trung Quốc bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia, bao gồm Huawei và ZTE. Các thiết bị của Huawei và ZTE trong hệ thống hiện tại cũng được yêu cầu thay thế. 

Sau đó, Ủy ban Viễn thông Liên bang FCC đã xây dựng một chương trình hỗ trợ các nhà cung cấp viễn thông nhỏ loại bỏ, thay thế thiết bị, dịch vụ bị cấm từ các công ty như Huawei và ZTE ra khỏi cơ sở mạng. Mike Rogers, cựu chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện nhấn mạnh: “Một khu chúng ta tiến hành xong quá trình thay thế đó, chúng ta sẽ giải quyết được các rủi ro ngầm của mạng 5G thế hệ mới”.

ZTE, công ty viễn thông lớn của Trung Quốc, đối thủ của Huawei tại thị trường nội địa đã bị cắt quyền truy cập vào thị trường Mỹ hồi năm 2018 sau khi chính phủ Mỹ phát hiện ra công ty này làm ăn với Iran bất chấp lệnh trừng phạt kinh tế của Nhà Trắng. ZTE sau đó đồng ý trả khoản tiền phạt 1,4 tỷ USD để Tổng thống Mỹ chỉ đạo Bộ Thương mại dỡ bỏ lệnh cấm, qua đó cứu doanh nghiệp khỏi bờ vực phá sản. 

Còn gã khổng lồ viễn thông Huawei hiện được đánh giá là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệ 5G. Công ty này bị cuốn vào chiến tranh thương mại Mỹ Trung, và bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen từ tháng 5/2019. Kể từ đó đến nay, chính quyền Trump đã nỗ lực kêu gọi đồng minh cấm cửa Huawei, viện dẫn nhưng cáo buộc rủi ro an ninh quốc gia mà công ty này có thể mang lại.

Cũng trong ngày 30/6, tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã bày tỏ lập trường tương đồng với chính quyền Trump khi tuyên bố rằng: “Tôi muốn tất cả cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia được bảo vệ khỏi các nhà cung cấp nhà nước đối thủ”. Trước đó, hồi cuối tháng 5, các trang tin rầm rộ đưa tin Thủ tướng Anh Boris Johnson đã yêu cầu các quan chức xem xét kế hoạch cắt giảm sự tham gia của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc trong cơ sở hạ tầng mạng di động 5G của Anh xuống 0% vào năm 2023. Đây được cho là một sự thay đổi chiến lược quan trọng của Anh. Trước đó, hồi tháng 1/2020, London dự kiến sẽ cho phép Huawei tham gia cung cấp khoảng 35% thiết bị cơ sở hạ tầng mạng 5G không thiết yếu tại Anh Quốc. 

Bộ trưởng Văn hóa Vương quốc Anh Oliver Dowden hôm 30/6 cũng tuyên bố Huawei sẽ không tham gia vào cơ sở hạ tầng mạng 5G của Anh trong dài hạn, đồng thời cho biết ông hoan nghênh các phương pháp tiếp cận với những nhà cung cấp thay thế như Samsung của Hàn Quốc hay NEC của Nhật Bản.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục