'Đơn hàng' cho Bộ trưởng Lê Minh Hoan

02/05/2021 15:23 GMT+7
Là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT lãnh nhiệm vụ ở thời điểm ngành đang có nhiều thuận lợi, nhiều kỳ vọng tích cực sau khi vượt qua những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan không phải là gương mặt mới duy nhất trong Chính phủ vừa được Quốc hội phê chuẩn nhưng lại là Bộ trưởng đầu tiên trong lịch sử hơn 70 năm của Bộ này xuất thân từ vùng trọng điểm nông nghiệp quốc gia ĐBSCL.

Chiếc ghế nóng

Ông Lê Minh Hoan là người trưởng thành từ thực tiễn lãnh đạo một tỉnh “khuất nẻo” như Đồng Tháp, nhưng tạo được nhiều dấu ấn thành công. Có lẽ vì vậy mà nhiều người đang hy vọng luồng gió mới cho ngành nông nghiệp và khu vực nông thôn từ nhân sự mới này.

'Đơn hàng' cho Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Ảnh 1.

Ông Lê Minh Hoan là người trưởng thành từ thực tiễn lãnh đạo một tỉnh “khuất nẻo” như Đồng Tháp nhưng tạo được nhiều dấu ấn khá thành công. Ảnh: TL.

Bộ NN-PTNT là một bộ đa ngành, lực lượng nông dân đông đảo, địa bàn nông thôn rộng lớn, nhiều lĩnh vực bức xúc. Dẫu biết những “đơn hàng” từ tam nông cần phải tiếp cận đa ngành, giải quyết liên ngành và sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành, nhưng người nhận “đơn hàng trực tiếp” chắc chắn không ai khác hơn là vị tư lệnh ngành: Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.

Giới quan sát chú ý phát biểu của ông Hoan khi nhận nhiệm vụ trên “chiếc ghế nóng” khi ông đã nhắc đến người tiền nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, người cũng đã được kỳ vọng khi lãnh vị trí “tư lệnh ngành” cách đây 1 nhiệm kỳ.

Đó là một nhiệm kỳ có nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn lắm bộn bề. Có việc thuộc trách nhiệm của ngành nông nghiệp, nhưng nhiều việc thuộc liên ngành phải phối hợp giải quyết.

Ông Hoan sẽ là người kế thừa di sản được và chưa được đó, nhưng người dân kỳ vọng ông phải mới hơn nữa. Đúng như Bộ trưởng chia sẻ, gửi gắm khi phát biểu nhậm chức: Không vì khác biệt mà chúng ta tạo ra cách biệt và phải dung hòa được sự khác biệt, lấy sự khác biệt để bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau tất cả sẽ vì lợi ích chung của ngành nông nghiệp.

Ông là tân Bộ trưởng nhận nhiệm vụ ở thời điểm ngành đang có nhiều thuận lợi, có nhiều kỳ vọng tích cực sau khi vượt qua những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh và những bước chuyển mới, tư duy mới của ngành nông nghiệp.

Từ nặng về sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ chủ yếu khai thác tiềm năng, lợi thế, tài nguyên tự nhiên sang đổi mới sáng tạo, bước đầu mở ra con đường đến với nông nghiệp tích hợp, nông nghiệp thông minh và xây dựng nông thôn mới với yêu cầu cao hơn.

Tuy nhiên, thành tích đã qua không phải là đảm bảo chắc chắn cho thành công tới. Hội nhập với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các FTA như EVFTA, CPTTP, RCEP… mở ra nhiều cánh cửa mới cho nông sản Việt, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức. Hệ quả tích cực hay tiêu cực của nó phụ thuộc vào việc tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức trong thời gian tới.

Kỳ vọng và chờ đợi làn gió mới

Trong kỳ vọng mới, tôi xin gửi đến tân Bộ trưởng những “đơn hàng” không mới, nhưng vẫn đang là những bức xúc trong ngành nông nghiệp, ở địa bàn nông thôn và của nhiều nông dân.

'Đơn hàng' cho Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan là người luôn gắn bó với người dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Kỳ tích đổi mới của nước ta được cả thế giới biết đến bắt đầu từ nông nghiệp. Ở những giai đoạn đất nước khó khăn, nông nghiệp luôn là “hệ đệm, giá đỡ” cho nền kinh tế. Từ một đất nước thiếu lương thực, chúng ta đã nhanh chóng trở thành cường quốc xuất khẩu gạo, nhiều sản phẩm nông nghiệp vươn xa, tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Trong khi đó, mặc dù có những bước chuyển tích cực ban đầu, nhưng nhìn chung nền nông nghiệp mới đang phát triển theo chiều rộng. Việc đầu tư và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tạo ra giá trị gia tăng còn thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ. Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khó kết nối với thị trường trong và ngoài nước. Nguồn lực lao động trong nông thôn có xu hướng giảm.

Một bộ phận không nhỏ lao động trẻ ở nông thôn, trong đó nóng nhất là vùng ĐBSCL, đang tiếp tục rời bỏ ruộng vườn ra thành thị, lên TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, gia nhập đội ngũ lao động phổ thông. Một mặt đáp ứng nhu cầu nhân lực cho công nghiệp, dịch vụ, nhưng cũng gây nhiều hệ lụy cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và các bất ổn xã hội.

Cạnh tranh nông nghiệp đang đặt ra yêu cầu giải quyết các “điểm nghẽn” tăng trưởng ở một thị trường lớn thay vì quanh quẩn bên những vườn cây, thửa ruộng, ranh giới hành chính tỉnh và tư duy ruộng đồng. Thách thức, bất cập còn bị nhân lên từ hoạt động kinh tế với cường độ cao gây nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, trong khi quản lý nhà nước “thiếu phối hợp, thừa chồng chéo”.

Thực tế vẫn đang tiềm ẩn và biểu hiện ngày càng hiện rõ hơn các “xung đột lợi ích địa phương” nếu các tỉnh, thành trong vùng tiếp tục lựa chọn con đường phát triển theo “ranh giới hành chính” của mình. Các ngành công nghiệp, năng lượng, thương mại, dịch vụ đang có xu hướng phát triển vượt lên, xung đột lợi ích với các ngành nông nghiệp, thủy sản về sử dụng đất đai, đe dọa ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái… nếu thiếu điều hòa, phối hợp sẽ trở thành các điểm nghẽn phát triển.

Thực tế đang cần một hệ thống các cơ chế, chính sách đồng bộ, căn cơ cho tam nông. Nông dân cần “cung hàng sỉ” ổn định lâu dài hơn là chính sách cấp “hàng lẻ” nhất thời. Tư duy làm chính sách cần được đổi mới mang tính chủ động, dựa vào thế mạnh, tiếp cận theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia.

Người dân đang thật sự lo ngại khi nhiều đất đai nông nghiệp màu mỡ, nhiều lợi thế của khu vực nông thôn biến thành các sân gôn, nhà máy điện than.

Trong khi đó, nhìn lại các chính sách thời gian qua, mặc dù đã ưu tiên hỗ trợ tam nông, từ qui hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi đến đào tạo nghề cho nông dân, hỗ trợ giống, cơ giới hóa. Nhưng thực tiễn cho thấy, nhiều chính sách chưa đi vào trọng tâm, chậm đi vào cuộc sống.

Một số chính sách hỗ trợ mang tính theo đuôi thiệt hại, lẫn lộn giữa làm kinh tế và chăm lo an sinh xã hội, nặng tính ban phát, đối phó, thực hiện rời rạc, lãng phí nguồn lực. Những vấn đề này ở cấp địa phương không thể giải nổi, chính là các đơn hàng cho cấp bộ hoạch định cơ chế, chính sách chung.

Thực tiễn cho thấy, khó có cuộc chuyể n đổi lớn mang tính cải cách mạnh mẽ, trong khi vẫn còn đó những cản trở về đất đai, thiếu khoahọc kỹ thuật cho sản xuất hàng hóa lớn, mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp mới.

Không thể lắt nhắt một ít trợ giúp tạm trữ, một ít hỗ trợ vốn, một vài dự án hỗ trợ khoa học kỹ thuật có tính đối phó ngắn hạn. Nó phải được tiến hành bằng tư duy, chính sách dài hạn hơn là những đối phó ngắn hạn để hiện đại hóa ngành nông nghiệp, thoát khỏi cái bóng nông nghiệp truyền thống bằng khai thác lợi thế tự nhiên sang nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tri thức.

Doanh nhân hóa nông dân, nông dân làm giàu được từ nông nghiệp và môi trường nông thôn mới đáng sống là những kỳ vọng cho một giai đoạn mới, cũng chính là những “đơn hàng” khó khăn.

Trần Hữu Hiệp
Cùng chuyên mục