Dồn hết cửa vào Trung Quốc, mặt hàng này của Việt Nam phải sớm thay đổi không thì "chết"

Nguyễn Phương
09/04/2022 12:45 GMT +7
Các doanh nghiệp xuất khẩu sắn Việt Nam cần chuyển mạnh sang xuất khẩu theo hướng chính ngạch nếu không muốn "chết" vì thị trường Trung Quốc...

Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đang có xu hướng tăng trở lại

Cuối tháng 3/2022, giá sắn lát có xu hướng tăng trở lại tại hầu hết các tỉnh, giá tinh bột sắn thành phẩm tăng từ 100-200 đồng/kg. Tại Tây Ninh, một số nhà máy tiếp tục tăng giá thu mua sắn để phục vụ cho sản xuất.

Dồn hết cửa vào Trung Quốc, mặt hàng này của Việt Nam phải sớm thay đổi không thì "chết" - Ảnh 1.

Theo ước tính, tháng 3/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 450 nghìn tấn, trị giá 202 triệu USD.

Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn cũng đang có xu hướng tăng trở lại. Theo ước tính, tháng 3/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 450 nghìn tấn, trị giá 202 triệu USD, tăng 80,6% về lượng và tăng 97,1% về trị giá so với tháng 02/2022; so với tháng 3/2021 tăng 51% về lượng và tăng 79,1% về trị giá. 

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước tính đạt khoảng 970 nghìn tấn, trị giá 420 triệu USD, giảm 0,6% về lượng, nhưng tăng 15,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong 2 tháng đầu năm 2022, các chủng loại sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là tinh bột sắn và sắn lát khô. Trong đó, tinh bột sắn được xuất khẩu nhiều nhất với 328,89 nghìn tấn, trị giá 164,2 triệu USD, giảm 21,8% về lượng và giảm 12,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines và Papua New Guinea. 

Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ tinh bột sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 95,6% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước với 314,37 nghìn tấn, trị giá 156,51 triệu USD, giảm 22% về lượng và giảm 12,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 196,51 nghìn tấn sắn lát khô, trị giá 54,4 triệu USD, giảm 22,9% về lượng và giảm 14,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Sắn lát khô được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn lát khô lớn nhất của Việt Nam, chiếm 94,3% tổng lượng sắn lát khô xuất khẩu của cả nước, với 185,32 nghìn tấn, trị giá 50,65 triệu USD, giảm 24,3% về lượng và giảm 16,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Dồn hết cửa vào Trung Quốc, mặt hàng này của Việt Nam phải sớm thay đổi không thì "chết" - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới và cũng là trị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam. Ngoài sản xuất ethanol, với sự hồi phục của ngành chăn nuôi lợn sau khi bị dịch tả lợn châu Phi, trong khi nguồn cung ngô ở Nam Mỹ gặp khó khăn do thời tiết bất lợi, nên Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn để làm thức ăn chăn nuôi, nhất là trong bối cảnh giá thức ăn tăng cao bởi ảnh hưởng xung đột giữa Nga và Ukraine. 

Phải sớm thay đổi nếu không muốn "chết" vì thị trường Trung Quốc

Hiện sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, tuy nhiên hơn 65% sản lượng xuất khẩu theo hình thức giao hàng tại biên giới, qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai. Trong khi, từ ngày 01/01/2022, Trung Quốc đã trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nên sản phẩm xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn của các thị trường thành viên RCEP sẽ không chỉ đối diện với việc mất thị trường mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới cả một ngành sản xuất. 

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sắn cần chuyển mạnh sang xuất khẩu theo hướng chính ngạch. Mặt khác, cần tiến hành rà soát lại quy hoạch vùng trồng và tổ chức lại sản xuất để sản phẩm của Việt Nam phải là sản phẩm sạch, đáp ứng được tiêu chí thị trường, nhất là trong bối cảnh tới đây thực hiện đề án xuất khẩu chính ngạch; tiếp tục mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm sắn Việt Nam.

Thị trường Trung Quốc dù thế nào tới đây vẫn là thị trường vô cùng quan trọng với mặt hàng sắn của Việt Nam. Nhu cầu sắn của Trung Quốc khó có thể giảm xuống trong năm 2022. 

Dồn hết cửa vào Trung Quốc, mặt hàng này của Việt Nam phải sớm thay đổi không thì "chết" - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu sắn lát (mã HS 071410) của Trung Quốc đạt 325,93 triệu USD, tăng tới 46,4% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam và Lào là 3 thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc. Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc. Trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 36,77 triệu USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2021; thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 11,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, giảm so với mức 18,7% của 2 tháng đầu năm 2021. 

Trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc từ Thái Lan đạt 282,31 triệu USD, tăng 63,1% so với cùng kỳ năm 2021, thị phần sắn lát của Thái Lan chiếm tới 86,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 77,8% của 2 tháng đầu năm 2021.

Với mặt hàng tinh bột sắn, nhu cầu của Trung Quốc cũng rất lớn. Trong 2 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 710,4 nghìn tấn tinh bột sắn (mã HS 11081400), trị giá 370,93 triệu USD, cũng tăng tới 32,9% về lượng và tăng 53,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Lào, Indonesia và Campuchia. 

Trong đó, Thái Lan vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc với 472,11 nghìn tấn, trị giá 249,67 triệu USD, tăng 47% về lượng và tăng 69,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2022, với 182,9 nghìn tấn, trị giá 93,95 triệu USD, tăng 15,6% về lượng và tăng 33,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 25,7% trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc, giảm so với mức 29,6% của 2 tháng đầu năm 2021; trong khi thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm tới 66,5%, tăng mạnh so với mức 60,1% của 2 tháng đầu năm 2021. 

Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu tinh bột sắn từ Lào với 36,02 nghìn tấn, trị giá 17,94 triệu USD, tăng tới 193,1% về lượng và tăng 232,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần tinh bột sắn của Lào chiếm 5,1% trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 2,3% của 2 tháng đầu năm 2021.

Rõ ràng, sắn và sản phẩm sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam và là nước xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đứng thứ 3 thế giới về sản lượng chỉ sau Thái Lan, Campuchia và đứng thứ 2 thế giới về kim ngạch xuất khẩu chỉ sau Thái Lan. Tuy nhiên, ngành hàng này đang có quá nhiều tồn tại cần phải sớm thay đổi.

Đó là thị trường sắn có nhiều khâu trung gian, mỗi công đoạn có nhiều tác nhân tham gia nên thị trường khá phức tạp, tranh mua, tranh bán quyết liệt. Thị trường mang tính chất đầu cơ, cạnh tranh về giá dẫn tới hậu quả là khoảng cách giữa giá thu mua của nông dân và giá tiêu thụ tăng, các khâu trung gian được hưởng lợi.

Thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn còn hạn chế, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như nêu trên, chiếm trên 95% tổng sản lượng sắn và sản phẩm từ sắn và ngày càng phải cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan, Campuchia và Lào. Việc phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, nếu không sớm thay đổi cách thức buôn bán, điều này dẫn đến sự thiếu bền vững, và bị động mãi...