Động thái của Vietnam Airlines sau khi được Quốc hội đồng ý “giải cứu”

27/11/2020 20:35 GMT+7
Vietnam Airlines triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 vào cuối tháng 12 tới. Tuy nhiên, nội dung của lần họp này vẫn chưa được tiết lộ.

Hội đồng Quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - mã: HVN) vừa thông qua kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông bất thường năm 2020.

Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng để tham dự đại hội là 15/12. Đại hội của hãng hàng không quốc gia dự kiến được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 29/12/2020.

Tuy nhiên địa điểm cụ thể và nội dung của đại hội đồng cổ đông bất thường lần này chưa được tiết lộ. Hãng bay cho biết nội dung cuộc họp bất thường sẽ được thông báo cụ thể trong giấy mời họp gửi tới cổ đông doanh nghiệp.

Hội đồng quản trị Vietnam Airlines giao cho Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa chỉ đạo triển khai các công việc liên quan để đảm bảo tổ chức đại hội bất thường trước ngày 31/12/2020.

Việc Vietnam Airlines triệu tập họp cổ đông bất thường diễn ra không lâu sau khi Quốc hội đồng ý phương án "giải cứu" do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Cụ thể, Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines theo phương án cho phép Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, Quốc hội cho phép hãng bay này chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng đủ quy định.

Động thái của Vietnam Airlines sau khi được Quốc hội đồng ý “giải cứu” - Ảnh 2.

Vietnam Airlines triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 vào cuối tháng 12 tới.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng VEPR, khả năng tăng vốn của Vietnam Airlines là tương đối dễ dàng.

Vị này phân tích, việc cho phép Vietnam Airlines tăng vốn, và SCIC mua cổ phiếu theo tỷ lệ vốn góp của nhà nước, là hoạt động bơm vốn cổ phần (equity injections) của nhà nước vào doanh nghiệp. Mặc dù ít có khả năng xảy ra, nhưng vẫn có thể các cổ đông khác của Vietnam Airlines từ chối mua tăng vốn.

Tuy nhiên như tường thuật của báo chí, Quốc hội chỉ cho phép SCIC mua theo quyền mua của nhà nước, không cho phép mua lại quyền mua của các cổ đông khác nếu họ từ chối.

"Về bản chất, việc bơm vốn cổ phần là sử dụng tiền thuế của dân, bất kể tiền đó lấy từ ngân sách nhà nước hay từ vốn mà SCIC đang quản lý. Với ngành nghề và những lợi thế mà Vietnam Airlines đang có, việc bơm vốn cổ phần có thể đem lại lợi nhuận trong tương lai một khi ngành hàng không hồi phục và cổ phiếu tăng giá", PGS.TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã tỏ ra không đồng tình với việc Quốc hội và Chính phủ tạo cơ chế đặc thù để giải cứu riêng Vietnam Airlines mà không hỗ trợ cả các hãng hàng không tư nhân do gây ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh.

Tại một hội thảo tổ chức ngày 26/11 vừa qua, lãnh đạo của Vietjet Air và Bamboo Airways đều nêu lên mong muốn được Nhà nước hỗ trợ thanh khoản tương tự như chính sách áp dụng với Vietnam Airlines.

Nhật Minh
Cùng chuyên mục