Dow Jones giảm hơn 800 điểm sau 2 phiên, cơn cuồng phong nào đang càn quét phố Wall?
Chỉ trong hai phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10, Dow Jones tụt 838 điểm, S&P 500 và NASDAQ cũng giảm sâu kỷ lục sau khi Viện quản lý nguồn cung Mỹ công bố chỉ số PMI sản xuất thấp kỷ lục trong 1 thập kỷ và Mỹ chính thức công bố danh mục áp thuế với EU. Phố Wall giờ đây tiếp tục bùng lên mối quan ngại suy thoái kinh tế.
Dưới đây là 3 tác nhân chính đang thúc đẩy sự suy yếu của thị trường chứng khoán:
Quan ngại từ thước đo chỉ số
Trong phiên giao dịch 2/10, chỉ số S&P 500 đã giảm xuống dưới mức tăng giảm bình quân trong 50 ngày qua - một thước đo kỹ thuật được nhiều nhà phân tích theo dõi. Tập đoàn đầu tư Bespoke thì nhận định đây là lần đầu tiên trong thập kỷ qua, chỉ số S&P 500 khởi đầu tháng 10, khởi đầu quý IV với mức giảm tổng cộng 2,99%. Lần gần đây nhất S&P giảm mạnh như vậy là đầu quý IV/2019, với mức giảm 3,01%. Chỉ số Dow Jones cũng mất 838 điểm, tức 3,1%, qua đó xóa sạch mức tăng 1,2% trong cả quý III.
Nhìn chung, những mức giảm rất mạnh này đang phủ một luồng tâm lý lo ngại lên phố Wall, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp sắp công bố lợi nhuận kinh doanh quý III.
Dấu hiệu suy thoái kinh tế
Sự sụt giảm của 3 chỉ số chính bắt nguồn từ việc chỉ số PMI sản xuất tháng 9 của Mỹ tụt xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ, chỉ đạt 47.8. Bất kỳ mức PMI nào dưới 50 đều thể hiện sự giảm tốc. Dù nhiều chuyên gia nhận định rằng sản xuất chỉ chiếm khoảng 10% trong nền kinh tế Mỹ, 90% còn lại là dịch vụ, nhưng dữ liệu kinh tế yếu kém này vẫn tác động nặng nề đến tâm lý nhà đầu tư.
Dữ liệu từ thị trường lao động cũng cảnh báo những dấu hiệu đáng quan ngại, khi tăng trưởng việc làm ước tính chỉ đạt 135.000 trong tháng 9, giảm mạnh so với mức 157.000 việc làm hồi tháng 8, theo báo cáo từ Moody's Analytic.
Thêm vào đó, việc Mỹ tuyên bố chính thức áp thuế với 7,5 tỷ USD hàng hóa EU sau khi được WTO "bật đèn xanh" trong vụ phán quyết EU trợ cấp cho Airbus cũng khiến thị trường hoang mang về rủi ro bất ổn thương mại. Mức thuế với rượu và một số mặt hàng EU sẽ chính thức có hiệu lực từ 18/10. Trước đó vài ngày, ức 15/10, mức tăng thuế từ 25% lên 30% mà Tổng thống Trump áp lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc cũng chính thức được áp dụng. Chiến tranh thương mại cùng hàng loạt sự trừng phạt thuế quan chắc chắn sẽ kéo theo ảnh hưởng to lớn cho nền kinh tế Mỹ nói chung, người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ nói riêng.
Ông Jurrien Timmer, giám đốc vĩ mô toàn cầu tại Fidelity Investments nhận định: "Về cơ bản, Mỹ đang đứng trước một cuộc suy thoái công nghiệp có quy mô toàn cầu. Điều này làm tôi nhớ lại bối cảnh năm 2016, hoặc xa hơn nữa là năm 1998, khi nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định còn phần còn lại của thế giới thì lao đao. Tất cả giờ đây phụ thuộc vào những diễn biến tiếp theo, trong khoảng 6 tháng tới….Nhìn chung, đây là một giai đoạn khó khăn và nhạy cảm, khi mà thị trường không thể dự đoán liệu sự giảm tốc của sản xuất công nghiệp có thể kéo theo sự sụp đổ của toàn bộ nền kinh tế hay không".
Nguy cơ luận tội Tổng thống Trump
Dù ông Trump đã ủy quyền cho Nhà Trắng công bố bản sao đầy đủ cuộc trò chuyện với Tổng thống Ukraine, phía Đảng Dân Chủ vẫn không ngừng cáo buộc Trump lạm quyền Tổng thống để ép các thế lực nước ngoài điều tra ứng viên Tổng thống nhiệm kỳ 2020-2014 Joe Biden. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 24/9 đã chính thức tuyên bố điều tra luận tội Tổng thống sau khi 218 ủy viên Hạ viện đồng thuận điều này. Tổng thống Donald Trump sau đó cảnh báo rằng một khi ông bị luận tội, thị trường chứng khoán Mỹ có thể sẽ sụp đổ.
Thật vậy, ngay sau khi bà Pelosi tuyên bố điều tra luận tội, chứng khoán phố Wall đã tụt điểm. Khi Tổng thống công bố bản sao cuộc điện đàm để chứng minh nội dung của nó không có tính gây áp lực hay gây ảnh hưởng lên phía Ukraine, chứng khoán Mỹ lập tức tăng điểm. Nhìn chung, mỗi động thái của Tổng thống Trump đều tác động rõ rệt đến tâm lý các nhà đầu tư phố Wall.