Đừng lùi bước trước Trung Quốc, Donald Trump! Chiến thắng đã rất gần

26/09/2019 16:07 GMT+7
Trung Quốc đang lao đao vì chính sách thương mại cứng rắn của Trump. Donald Trump đương nhiên biết rõ điều đó, và cả người Trung Quốc cũng vậy. Vị Tổng thống Mỹ thậm chí nhiều lần khẳng định những công cụ thương mại của ông rồi sẽ làm suy yếu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đừng lùi bước trước Trung Quốc, Donald Trump! Chiến thắng đã rất gần - Ảnh 1.

Phần đông người Mỹ ủng hộ lập trường cứng rắn của ông Trump trước Trung Quốc

Đó chắc chắn là một hành trình dài. Mỹ không chấp nhận thỏa thuận ngắn hạn. Trung Quốc nhập khẩu trở lại đậu nành và thịt lợn của Mỹ không có nghĩa là Tổng thống Donald Trump sẽ nhượng bộ trên bàn đàm phán. Với nhiều chính trị gia Mỹ hiện nay, đó là bước đi đúng đắn.

Những chiêu trò thương mại không lành mạnh của Trung Quốc đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước, qua nhiều đời Tổng thống Mỹ. Thay vì nhượng bộ như những đời Tổng thống trước đó, cuối cùng sẽ phải có ai đó kết thúc thời đại gian lận thương mại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Và khi Donald Trump kế nhiệm chức vị Tổng thống, người ta đã thấy những dấu hiệu của điều đó.

Quý II/2019, tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ. Tháng 7/2019, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc yếu nhất trong 17 năm trở lại đây. Rõ ràng, chiến tranh thương mại đã dần đánh gục nền kinh tế Trung Quốc. Giới quan chức Bắc Kinh không thể đổ lỗi cho ai khác, khi chính họ là những kẻ đã từ bỏ một thỏa thuận gần như đã hoàn thành vào phút chót.

Peter Navarro, nhà đàm phán thương mại hàng đầu dưới quyền Tổng thống Donald Trump từng cho hay trọng tâm của thỏa thuận dài 150 trang được đưa ra hồi tháng 5 đề cập đến 7 vấn đề chính của Trung Quốc bao gồm: thao túng tiền tệ, bán fentanyl cho Mỹ, trộm cắp tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, bán phá giá, trợ cấp doanh nghiệp nhà nước và tấn công an ninh mạng. "Thỏa thuận này gần như về cơ bản đã được Trung Quốc ủng hộ", ông Navarro nhận định. Nhưng chỉ sau 1 đêm, Bắc Kinh bất ngờ lật lọng, đưa lên một thỏa thuận với nhiều quan điểm hoàn toàn khác. Đó là lý do người Mỹ nổi giận, và Tổng thống Donald Trump đã trút cơn thịnh nộ bằng cách tăng thuế từ 10% lên 25% với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD. 

Donald Trump đã thành công thống nhất Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa trong quan điểm về Trung Quốc. Theo một cuộc thăm dò do Harvard tổ chức hồi tháng 8, có tới 67% người Mỹ tin rằng cần phải cứng rắn với Trung Quốc sau hàng loạt chính sách thương mại không công bằng của nước này.

Ngược trở lại cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, quan điểm cứng rắn này cũng là lý do vì sao Donald Trump đắc cử. Người dân bang Pennsylvania, nơi Tổng thống Trump giành đại đa số phiếu bầu, rất ít quan tâm đến các vấn đề nhập cư, biến đổi khí hậu… Bang Wisconsin và Ohio cũng thế. Nhưng khẩu hiệu chống lại Trung Quốc của Trump lại có sức lan tỏa đầy mạnh mẽ.

Trong những tháng tới, ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Donald Trump là thúc đẩy thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) để thay thế hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ lâu nay. Nội dung hiệp định xoay quanh việc hỗ trợ nông dân xuất khẩu nông sản sang Mexico và Canada, bảo vệ tài sản trí tuệ của người Mỹ. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, USMCA sẽ tạo nênmột khối Bắc Mỹ đoàn kết, đồng thời thiết lập nền tảng tiêu chuẩn thực thi mạnh mẽ và toàn diện nhất cho bất kỳ hiệp định thương mại nào, qua đó gửi một thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc trong việc chấm dứt các hành vi thương mại không lành mạnh từ nhiều thập kỷ trước.

Đàm phán với Trung Quốc rõ ràng là một trong những cuộc đàm phán quan trọng nhất lịch sử nước Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã chống lại những áp lực mạnh mẽ từ Đảng Dân chủ, Đảng Cộng Hòa và phố Wall trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc.  Cho đến khi cả ba thế lực này phải thừa nhận một thực tế rằng hành động của Trump hoàn toàn đúng đắn, đó cũng là lúc Trung Quốc rơi vào khủng hoảng. Không khó hiểu tại sao ông Trump dự đoán Trung Quốc đang mong chờ một thỏa thuận thương mại.

Trên lý thuyết là thế, nhưng đàm phán với Trung Quốc sẽ là chặng đường dài. Bắc Kinh sẽ cố gắng chờ đợi đến sau bầu cử Tổng thống năm 2020 để xem liệu họ có thể đối mặt với một vị Tổng thống khác thay cho Donald Trump hay không. Một chính quyền Dân chủ của ứng viên Tổng thống nặng ký Joe Biden có khả năng sẵn sàng thỏa hiệp hơn. Đó sẽ là canh bạc lớn với Bắc Kinh, vì ông Trump hồi đầu tháng 9 đã cảnh báo việc ký kết thỏa thuận sau bầu cử sẽ kéo theo hàng loạt điều khoản bất lợi cho chính Trung Quốc.

Chính quyền Tập Cận Bình không còn cách nào khác. Tổng thống Trump không đồng ý một thỏa thuận tạm thời. Liệu người Mỹ có sẵn sàng cho phép chính phủ Trung Quốc tiếp tục đánh cắp tài sản trí tuệ, thao túng tiền tệ hay bán số lượng lớn fentanyl cho Mỹ? Câu trả lời là không trong kỷ nguyên của Donald Trump.

Bài viết bày tỏ quan điểm của James D. Schultz - nhà bình luận pháp lý của CNN, Chủ tịch hãng luật Cozen O'Connor tại Philadelphia.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục