Đủ 14 tuổi không làm Căn cước công dân có bị phạt?

02/05/2021 11:00 GMT+7
Căn cước công dân là giấy tờ nhân thân, chứng minh các thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân. Người đủ 14 tuổi có bắt buộc đi làm Căn cước gắn chip?

Đủ 14 tuổi được làm Căn cước công dân

Theo Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân.

Trước đây, khi cả nước vẫn còn cấp Chứng minh nhân dân, Nghị định 05/1999 quy định rõ:

Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi tắt là công dân) có nghĩa vụ đến cơ quan công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp Chứng minh nhân dân theo quy định của Nghị định này.

Theo quy định này, việc làm Chứng minh nhân dân là nghĩa vụ, công dân cần thực hiện nghiêm chỉnh.

Tuy nhiên, Luật Căn cước công dân lại không quy định đây là nghĩa vụ mà chỉ nhắc đến một cách chung chung: được cấp thẻ.

Luật này cũng tạo điều kiện cho người 14 tuổi làm Căn cước công dân. Cụ thể, công dân không phải nộp lệ phí khi cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định tại Điều 19 của Luật này. Như vậy, công dân đủ 14 tuổi làm Căn cước công dân lần đầu không mất tiền khi đi làm thẻ.

Đủ 14 tuổi không làm Căn cước công dân có bị phạt? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đủ 14 tuổi không làm Căn cước công dân có bị phạt?

Theo quy định đã trình bày ở trên, pháp luật không coi việc đi làm Căn cước công dân là nghĩa vụ của công dân. Vì thế, công dân có thể làm khi có nhu cầu, nếu không làm cũng không bị xử phạt.

Ngoài ra, trước đây, theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không xuất trình chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;

b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp mới, cấp lại, đổi chứng minh nhân dân;

c) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thu hồi, tạm giữ chứng minh nhân dân khi có yêu cầu của người có thẩm quyền.

Nghị định này ban hành trước khi Luật Căn cước công dân ra đời nên không có quy định xử phạt với trường hợp không làm thủ tục cấp Căn cước công dân hay không xuất trình được Căn cước công dân khi được yêu cầu.

Tuy nhiên, nếu không có Căn cước công dân, người dân sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các giao dịch. Đặc biệt, đối với học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Bởi, những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu khi làm thủ tục dự thi trung học phổ thông, thí sinh phải có Căn cước công dân. Các sở Giáo dục và Đào tạo, các trường phổ thông có nghĩa vụ hướng dẫn để học sinh có Căn cước công dân trước khi nộp Phiếu đăng ký dự thi.

Trong trường hợp không có Căn cước công dân thì Hệ thống quản lý thi sẽ gán cho thí sinh một mã số gồm 12 ký tự để quản lý, sẽ gây bất tiện cho thí sinh.

Đang ưu tiên làm Căn cước công dân cho người chưa có thẻ

Mặc dù Công an cả nước đang đồng loạt tăng cường cấp 50 triệu thẻ Căn cước công dân trước 01/7/2021, tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp được ưu tiên cấp trước.

Cụ thể, ưu tiên cho người từ đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp Căn cước công dân và người đang sử dụng CMND 9 số; người đã có Căn cước công dân, CMND 12 số nhưng hết hạn, mất, hư hỏng, có thay đổi thông tin về nhân khẩu cần cấp lại thẻ Căn cước công dân; nhân khẩu thường trú…

Đặc biệt, ưu tiên cấp phát sớm Căn cước công dân gắn chip cho trường hợp học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp, lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, người ở các cơ sở tôn giáo, trung tâm bảo trợ xã hội...

(Theo quy định hiện hành, không có thủ tục riêng ưu tiên làm Căn cước công dân, mà lực lượng tiếp nhận hồ sơ làm Căn cước công dân sẽ có các kế hoạch cấp phát ưu tiên. Khi tiếp nhận hồ sơ cấp mới, cấp đổi Căn cước công dân gắn chip, cán bộ tiếp nhận sẽ căn cứ vào thông tin độ tuổi của người đi làm hồ sơ để xác định đối tượng này và ưu tiên).

Tình Nguyễn
Cùng chuyên mục