Dự án BOT kêu thu phí 100 năm cũng không thể hoàn vốn
Vấn đề trên được nêu ra tại toạ đàm “Những vướng mắc bất cập trong triển khai các dự án PPP” do Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) tổ chức chiều 8/9.
Nhà đầu tư rất bế tắc?
Ông Trần Chủng, Chủ tịch VARSI cho biết, theo Luật Đối tác công tư (PPP) hợp đồng giữa nhà đầu tư (NĐT) tư nhân và Nhà nước là bình đẳng.
Hợp đồng đã cam kết phải thực hiện, nhưng hiện nay việc chia sẻ rủi ro cũng chưa rõ ràng do không được áp dụng với các dự án đã có chủ trương đầu tư, kể cả cao tốc Bắc - Nam.
Ông Phan Văn Thắng, Tổng GĐ Công ty CP đầu tư Đèo Cả cho rằng, hình thức hợp đồng dự án BOT được ký kết giữa nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước. Nhưng khi dự án gặp rủi ro, nhà đầu tư khó khăn thì Nhà nước lại không thực hiện đúng cam kết.
Ông Thắng dẫn chứng, tại dự án hầm đường bộ Đèo Cả nhà nước cam kết hỗ trợ vốn ngân sách hơn 5.000 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn còn 1.180 tỷ đồng ngân sách vẫn chưa giải ngân hỗ trợ như cam kết. Thực tế này làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của DN, làm phát sinh thêm lãi vay tín dụng...
Ông Thắng cũng nói thêm, trong quá trình thực hiện dự án BOT, việc Nhà nước thay đổi cơ chế chính sách đã làm ảnh hưởng đến hợp đồng ký kết với nhà đầu tư, đẩy DN vào tình cảnh khó khăn.
Điển hình tại dự án Hầm Đèo Cả, trạm thu phí La Sơn - Tuý Loan đã được Chính phủ chấp thuận sử dụng hoàn vốn cho dự án. Bộ GTVT đã ký hợp đồng triển khai dự án với nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay khi nhà đầu tư cơ bản hoàn thành dự án thì Bộ GTVT lại đơn phương kiến nghị Chính phủ không tổ chức thu phí tại trạm La Sơn - Tuý Loan gây rủi ro cho nhà đầu tư và ngân hàng cấp tín dụng…
Dù nhà đầu tư đã nhiều lần báo cáo và yêu cầu thực hiện thu phí theo hợp động dự án đã ký với Bộ GTVT nhưng đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết.
Đại diện Công ty TNHH BOT Phú Hà - nhà đầu tư BOT cầu Việt Trì - Ba Vì cho biết, dự án cầu Việt Trì đưa vào thu phí từ tháng 4/2019 nhưng đến nay so với phương án tài chính ban đầu thì doanh thu chỉ đạt 20-30%.
Mức doanh thu này không đủ để nhà đầu tư duy trì hoạt động và chỉ đủ trả lãi vay.
Theo nhà đầu tư, doanh thu cầu Việt Trì – Ba Vì giảm là do lưu lượng xe phân lưu với cầu Hạc Trì nên không đúng với dự báo lưu lượng.
“Với lưu lượng và phương án tài chính thu phí như hiện nay thì 100 năm nữa dự án cũng không thể hoàn được vốn. Do vậy chúng tôi đề xuất Nhà nước mua lại một phần để hỗ trợ dự án vì hiện nay nhà đầu tư rất bế tắc”, đại diện Công ty TNHH Phú Hà nói.
Nhiều ngân hàng nói không với dự án BOT
Ông Đinh Văn Tiếp, Tổng GĐ Công ty Phương Nam cho hay, hiện nay dự án BOT của Phương Nam thu không đủ trả lãi. Tình trạng này kéo dài ngân hàng sẽ đưa nhà đầu tư vào nợ xấu do không đảm bảo cam kết trả lãi, gốc. Nếu đưa vào nợ xấu thì nhà đầu tư không thể tham gia các dự án khác.
Ông Tiếp thẳng thắn, có khó khăn như hiện nay là do Nhà nước không thực hiện theo cam kết hợp đồng ký với nhà đầu tư. “Theo hợp đồng dự án phải được tăng phí 2 lần rồi, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa được tăng. Do vậy phương án tài chính thu phí từ 16 năm sẽ phải kéo dài lên 40 năm...”, ông Tiếp nói.
Ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch Hiệp hội VARSI nhìn nhận, dù luật PPP ra đời tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, nhưng các ngân hàng đang thắt chặt tín dụng và hạn chế cho vay với nhà đầu tư PPP.
Nguyên nhân những vướng mắc của các dự án BOT trước đây chưa được xử lý, hệ luỵ từ phần vay trước chưa được giải quyết khiến các ngân hàng rất sợ. Thậm chí có những ngân hàng nói không với BOT.
Có tình trạng này là do chính sách chưa đồng bộ, dù chủ trương chung là thu hút nhà đầu tư tư nhân, nhưng chưa có chính sách đi kèm để hỗ trợ kịp thời.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho biết, khuôn khổ pháp lý trước đây chưa ổn định, nhưng Luật PPP ra đời với cam kết của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các dự án PPP.
“Nhà đầu tư lo ngại thay đổi chính sách và cam kết hợp đồng trong PPP. Nhưng nay hệ thống pháp lý đã nâng lên thành luật nên đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư. Trong đó luật có những quy định rõ chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư khi thay đổi chính sách”, đại diện VCCI cho biết.
Ông Trần Chủng cho biết, sẽ tập hợp ý kiến các nhà đầu tư và đề xuất lên các bộ liên quan có giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư.