Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đang triển khai thế nào?
Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khảo sát
Theo đó, đã có 12/12 tỉnh đã có văn bản thỏa thuận hướng tuyến và công trình; 9/10 dự án đã có ý kiến Bộ Quốc phòng. Riêng dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau chưa có ý kiến của Bộ Quốc phòng về hướng tuyến đi qua các khu vực đất quốc phòng do quá trình bàn giao cọc GPMB mới phát hiện 2,79 ha đất quốc phòng quản lý đang nuôi trồng thủy sản. Dự kiến hoàn thành trước ngày 15/5/2022.
Đối với công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, toàn bộ 12 dự án thành phần đã hoàn thành công tác khảo sát hiện trường địa hình, địa chất, thủy văn.
Theo Bộ GTVT, đến nay, Cục QLXD&CLCTGT cũng đã hoàn thành thẩm định và Bộ chấp thuận đợt 1 được 136,3km hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB; Thẩm định, trình Bộ GTVT chấp thuận thêm hơn 483km, đạt 619,6km/729km (85%). Các đoạn còn lại khoảng hơn 109km sẽ trình Bộ chấp thuận trước ngày 30/6/2022.
"Đến ngày 30/4/2022, các Ban QLDA đã bàn giao cho địa phương được 424,8km/729km (58%) hồ sơ cọc và dự kiến bàn giao toàn bộ vào ngày 15/5/2022", lãnh dạo Bộ GTVT cho biết
Tiến trình thực hiện một số thủ tục chính khác trong công tác chuẩn bị đầu tư dự án cũng được Bộ GTVT đề cập như: Công tác khảo sát, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã hoàn thành 12/12 dự án, Ban QLDA đã có văn bản gửi Bộ TN&MT thẩm định báo cáo ĐTM. 12/12 dự án đã họp Hội đồng thẩm định.
Với công tác lập khung chính sách GPMB, Bộ TN&MT đã có ý kiến thẩm tra 6/6 dự án. Trong đó, 2/6 dự án đã có văn bản tiếp thu và giải trình và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Vũng Áng - Bùng và Vạn Ninh - Cam Lộ).
Công tác thẩm duyệt PCCC 4/4 dự án (Vũng Áng - Bùng, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong) cũng đã được hoàn thiện Cục PCCC/Sở Công an thẩm duyệt.
Đánh giá về tình hình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 trong thời gian qua, lãnh đoạ Bộ GTVT cho rằng, một trong những đột phá lớn nhất chính là thời gian thực hiện các thủ tục phục vụ công tác GPMB.
Chuẩn bị đầu tư
Dẫn chứng cho nhận định này, theo Bộ GTVT, dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư ngày 22/11/2017 với 11 dự án thành phần, tổng chiều dài 654km đi qua địa phận 13 tỉnh.
Xác định mặt bằng là nút thắt của dự án và cần đi trước một bước, ngay sau khi dự án được phê duyệt, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban QLDA, tư vấn thiết kế lập hồ sơ cắm cọc GPMB và bàn giao cho các địa phương để kịp thời triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Tuy nhiên, do dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được triển khai thực hiện theo thủ tục, trình tự pháp luật thông thường nên thời gian từ lúc chuẩn bị đầu tư, GPMB đến khởi công dự án thường mất từ 2 - 3 năm.
Đến tháng 4/2019, Bộ GTVT bắt đầu bàn giao cọc GPMB cho các địa phương và đến tháng 9/2020 mới khởi công những gói thầu đầu tiên. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện trong khoảng thời gian trung bình từ 17 - 20 tháng.
Cho đến nay sau 3 năm triển khai thực hiện, vẫn còn khoảng 0,1% chiều dài tuyến còn vướng mặt bằng và một số công trình hạ tầng kỹ thuật, hoặc một số hạng mục công trình đã được bồi thường nhưng chưa được di dời.
Bộ GTVT rút kinh nghiệm giai đoạn 1, để đảm bảo quỹ thời gian gấp rút thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, đáp ứng khởi công năm 2022 và cơ bản hoàn thành vào năm 2025, trên cơ sở Nghị quyết được Quốc hội thông qua về chủ trương đầu tư dự án, Chính phủ đã ban hành cơ chế theo thẩm quyền cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngay từ trong giai đoạn chuẩn bị dự án.
Bộ GTVT đã rà soát, tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB cho các địa phương theo từng giai đoạn tùy theo mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến, cơ bản hoàn thành trước ngày 30/6/2022.
Các địa phương khẩn trương thực hiện các công tác liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công cuối năm 2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong Quý II/2023. Hiện, các Ban QLDA đã phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB, bàn giao cho địa phương 424,8km/729 km.
Bộ GTVT khẳng định: "Tính từ thời điểm Quốc hội có chủ trương đầu tư, thời gian để Bộ GTVT hoàn thành bàn giao hồ sơ, cắm cọc GPMB cho địa phương chỉ khoảng 5 tháng; Thời gian chuẩn bị đầu tư, khởi công dự án chỉ khoảng 10 tháng, công tác GPMB sẽ được hoàn tất trong thời gian khoảng 1,5 năm".