Dự án cao tốc Cam Lộ- La Sơn gặp khó vì giá đất san lấp quá cao so với dự toán

27/05/2021 15:36 GMT+7
Việc triển khai thi công dự án cao tốc Cam Lộ- La Sơn qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang gặp nhiều khó khăn do giá đất vật liệu cao hơn nhiều so với giá dự toán và thiếu nguồn đất san lấp.

Ngày 27/5, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT), đại diện chủ đầu tư Dự án cao tốc Cam Lộ- La Sơn, cho biết việc triển khai thi công dự án đã và đang gặp nhiều khó khăn do giá đất vật liệu san lấp cao hơn nhiều so với dự toán và tình trạng thiếu nguồn đất san lấp.

Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đơn giá vật liệu đất đắp dự toán cho các gói thầu của dự án là 27.500 đồng/m3 theo đơn giá công bố của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, thời gian qua, giá vật liệu đất đắp theo báo giá của các mỏ đất cao hơn rất nhiều so với mức giá công bố của tỉnh. Việc phải mua đất với giá quá cao đã khiến các nhà thầu thực hiện dự án gặp rất nhiều khó khăn.

Dự án cao tốc Cam Lộ- La Sơn gặp khó vì giá đất san lấp quá cao so với dự toán  - Ảnh 1.

Thi công cao tốc Cam Lộ- la Sơn đoạn qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế.

Từ năm 2019 đến nay, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về vấn đề khó khăn trong nguồn đất vật liệu san lấp phục vụ dự án cũng như vấn đề giá đất quá cao so với dự toán. Đại diện chủ đầu tư dự án cũng đã rất nhiều lần làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với sự tham gia của đại diện các chủ mỏ đất, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện đáng kể.

Theo một văn bản được Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vào tháng 5/2020, thời điểm đó, giá đất vật liệu theo báo giá của các mỏ là khoảng 49.000 đồng/m3, trong khi công bố giá của tỉnh để áp dụng đơn giá tính dự toán cho gói thầu là 27.500 đồng/m3. Lúc đó, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh kiến nghị cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các tổ chức, cá nhân khai thác vật liệu san lấp thực hiện điều chỉnh giá đất từ 49.000 đồng/m3 thành 27.000 đồng/m3 để tính thuế tài nguyên nhằm đưa giá đất đắp thực tế về phù hợp với giá công bố của tỉnh.

Đại diện chủ đầu tư dự án cao tốc Cam Lộ- La Sơn cũng kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ TNMT xin cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công dự án. Cụ thể là cho phép nâng công suất khai thác trong thời gian thăm dò nâng cấp mỏ, được bổ sung các mỏ không đấu giá quyền khai thác trong khu vực dự án, rút ngắn thời gian cấp phép khai thác đất đối với các mỏ mới, mở rộng diện tích khai thác các mỏ trong giai đoạn khai thác…

Ông Tạ Gia Mạnh Hưng- Trưởng phòng Dự án 2 thuộc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù đại diện chủ đầu tư dự án đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng đến nay giá đất vật liệu vẫn rất cao khiến các nhà thầu thi công dự án gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Hưng, hiện tại giá đất vật liệu của các mỏ ở tỉnh bán ở mức khoảng 45.000 đồng/m3, còn đất chở đến tận công trình là 55.000 đồng/m3.

"Giá đất vật liệu do chủ mỏ tự quyết định. Với mức giá này, các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng phải chấp nhận. Bị thua lỗ thì họ cũng phải cố mà làm, bởi nếu bỏ thì sẽ bị phạt", ông Hưng nói.

Ông Hưng cho hay, cao tốc Cam Lộ- La Sơn đoạn qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế có 8 gói thầu. Ngoài giá đất vật liệu quá cao, việc thiếu nguồn đất đắp cho dự án là một trong những nguyên nhân khiến nhiều gói thầu bị ảnh hưởng tiến độ. Như các gói thầu số 5 và 6, tiến độ dự kiến đến tháng 5/2021 phần đất đắp đạt khoảng 50%, tuy nhiên con số thực tế hiện mới chỉ đạt khoảng 30%. Tình trạng này khiến tiến độ chung của các gói thầu số 5 và 6 chậm hơn so với kế hoạch, trong đó gói thầu số 5 đạt 33/40%, gói thầu số 6 đạt 35/45%. Hiện 2 gói thầu này đang thiếu khoảng 500.000m3 đất san lấp.

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn có tổng chiều dài trên 98km đi qua các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Dự án được khởi công từ tháng 9/2019, tổng mức đầu tư khoảng 7.699 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 434 tỷ đồng… 


Trần Hòe
Cùng chuyên mục