Những địa phương nào sẽ đi đầu trong phát triển bất động sản công nghiệp năm 2024?

17/01/2024 14:00 GMT+7
Năm 2024, bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và sẽ phát triển mạnh mẽ. Trong đó, 10 địa phương sẽ phát triển mạnh nhất gồm TP. HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai.

Bất động sản công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động sản xuất và phân phối hàng hóa. Nó cung cấp không gian và cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp công nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Điều này cho thấy phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài là những tỉnh, thành phố có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,...

Theo báo cáo tình hình đầu tư nước ngoài 2023 của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư mới tăng mạnh cả về vốn đầu tư, cũng như số dự án đầu tư mới, tập trung nhiều vào 10 địa phương có tổng số dự án đầu tư mới chiếm tới 78,6% số dự án mới và 74,4% số vốn của cả nước. Chính vì thế, phân khúc bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2024 và thời gian tới tại 10 địa phương, đó là: TP. HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai. 

Những địa phương nào sẽ đi đầu trong phát triển bất động sản công nghiệp năm 2024? - Ảnh 1.

Cơ cấu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2023 phân theo ngành (Ảnh: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Các ngành được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm phải kể đến: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 39,9% so với cùng kỳ. Ngành đứng thứ 2 là ngành kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ của năm 2022. 

Cũng theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, 6 quốc gia dẫn đầu về đầu tư FDI góp phần thúc đẩy bất động sản công nghiệp Việt Nam phát triển mạnh trong năm 2024 là Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Riêng 6 đối tác này đã chiếm hơn 81,4% tổng vốn đầu tư của cả nước trong năm 2023. 

Trước nhu cầu phát triển của đất nước và nguyện vọng của một cộng đồng rộng lớn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang kinh doanh, sản xuất, làm việc liên quan đến các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch VNREA, cho biết với việc chính thức công bố sự thành lập của Liên Chi hội VNREA đánh dấu bước phát triển mới, quan trọng trong nhận thức và quyết tâm hỗ trợ phát triển ngành bất động sản công nghiệp của Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, khi các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế xanh… ở Việt Nam phải vận động, hội nhập và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. 

Những địa phương nào sẽ đi đầu trong phát triển bất động sản công nghiệp năm 2024? - Ảnh 2.

Bất động sản công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động sản xuất và phân phối hàng hóa(Ảnh: TN)

"Do đó, ngày 18/1 tới đây tại TP. HCM, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội Liên Chi hội bất động sản công nghiệp Việt Nam lần thứ I nhiệm kỳ 2024 – 2029. Điều này đáp ứng mục tiêu tổng quát của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030 của nước ta là hoàn thành các tiêu chí của nước công nghiệp, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại. Nghị quyết Đại hội XIII nêu rõ: "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo"", ông Khôi cho biết.

Đáng chú ý, sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư quốc tế đã khiến thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển đa dạng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận xét, hiện cơ hội lại không chia đều cho các địa phương cũng như các chủ đầu tư khu công nghiệp bởi có nơi "thừa đất" thì thiếu nhà đầu tư hoặc ngược lại.

Trong đó, sự chênh lệch trong việc phát triển bất động sản công nghiệp giữa các địa phương, vùng miền đến từ nhiều yếu tố như vị trí địa lý, môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng… Những địa phương có vị trí thuận lợi về giao thông, logistics, nguồn lao động dồi dào, môi trường đầu tư tốt, thân thiện, cởi mở và cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ... sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn nơi không có được các lợi thế này.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục