Du lịch Việt Nam sôi động trở lại, chiến thắng khủng hoảng Covid-19

08/06/2020 12:43 GMT+7
Tờ Bloomberg mới đây đưa tin Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong cuộc đua mở cửa trở lại nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng ở Đông Nam Á.
Bloomberg: Du lịch Việt Nam sôi động trở lại, chiến thắng khủng hoảng Covid-19 - Ảnh 1.

Lượng khách du lịch nội địa bắt đầu phục hồi từ kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Một ước tính cho thấy lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu đã giảm mạnh 98% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng ngàn chuyến bay quốc tế vẫn bị đình chỉ và nhiều quốc gia vẫn đang tiếp tục gia hạn lệnh cách ly xã hội trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan dịch Covid-19. Trong khu vực Đông Nam Á, nhiều quốc gia đang dần nới lỏng lệnh hạn chế từng phần. Tiêu biểu như Thái Lan - quốc gia vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp do số ca nhiễm tiếp tục tăng lên tới 3.100 trường hợp. Số ca nhiễm cũng tăng đột biến ở Philippines với hơn 20.000 trường hợp và Singapore với hơn 37.000 trường hợp. 

Tuy nhiên, một bức tranh tươi sáng hơn đang xuất hiện ở Việt Nam. Việc mở cửa trở lại nền kinh tế từ cuối tháng 4 và kiểm soát thành công số ca nhiễm Covid-19 ở mức rất thấp đang tạo động lực cho các ngành giải trí, du lịch Việt Nam phục hồi nhanh chóng.

Sở hữu đường biên giới kéo dài hàng trăm km với Trung Quốc, Việt Nam gần đây nổi lên như trường hợp điển hình về công tác phòng chống đại dịch hiệu quả. Số liệu chính thức được công bố cho thấy nước ta chỉ có 329 ca nhiễm Covid-19 và 0 ca tử vong. Quyết định đóng cửa biên giới nhanh chóng, quyết liệt cách ly hàng chục ngàn người và giãn cách xã hội trong gần 1 tháng đã phát huy hiệu quả kiểm dịch đầy ấn tượng. Kể từ giữa tháng 4 đến nay, tất cả ca nhiễm mới Covid-19 được ghi nhận tại Việt Nam đều là các trường hợp nhập cảnh về nước. 

Kết quả là Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội và bình thường hóa hoạt động kinh tế. Hàng triệu người Việt Nam đã đi du lịch trở lại kể từ kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, thời điểm mà nhiều nền kinh tế trên thế giới bao gồm Mỹ và các nước Châu Âu vẫn đang vật lộn chiến đấu với đại dịch. 

Tính đến năm 2019, du lịch đóng góp khoảng 9% vào tổng quy mô GDP 260 tỷ USD của Việt Nam. Con số này thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan, quốc gia mà ngành du lịch chiếm tới 20% tổng sản phẩm quốc nội. Nhưng tại Việt Nam, du lịch vẫn được xác định là ngành ưu tiên mũi nhọn, tạo ra khoảng 5 triệu việc làm cho người lao động, đặc biệt là người có trình độ thấp. Năm ngoái, Việt Nam có khoảng 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, chiếm hơn 80% tổng số khách du lịch đến Việt Nam, một con số khổng lồ dù cho mức chi tiêu của khách nội địa thấp hơn đáng kể so với du khách nước ngoài.

Khi đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế trong nước nói chung và ngành du lịch nói riêng, Tổng Cục Du lịch Việt Nam lập tức tổ chức chiến dịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” trong nỗ lực kích cầu du lịch, khôi phục phần nào tăng trưởng kinh tế. Mức giá giảm mạnh và an toàn là 2 yếu tố then chốt thúc đẩy chương trình kích cầu du lịch này, mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng việc giảm giá sâu như vậy có thể gây ra tình trạng “xuống dễ lên khó” trong dài hạn.

Hoạt động du lịch nội địa tại Việt Nam đã khôi phục phần lớn, nhất là khi mùa hè - mùa du lịch biển cao điểm bắt đầu. Câu hỏi đặt ra là trong thời gian tới, làm thế nào để du khách nước ngoài trở lại? Các chuyên gia nhận định có thể sẽ mất nhiều tháng trước khi các hãng hàng không khởi động lại các chuyến bay nước ngoài. Và sự an toàn tương đối tại Việt Nam có thể sẽ là động lực cho ngành công nghiệp du lịch khôi phục trở lại, theo tờ Bloomberg.

Steven Schipani, chuyên gia du lịch tại Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định các hòn đảo nghỉ mát như Phú Quốc hay khu nghỉ dưỡng khép kín có khả năng sẽ trở thành điểm đón khách du lịch quốc tế đầu tiên sau khi Việt Nam mở lại đường bay quốc tế. Khách du lịch quốc tế có thể sẽ phải chấp nhận kỳ cách ly dài ngày và xét nghiệm Covid-19 cả hai chiều bay đến và đi Việt Nam. Một yếu tố khác là xuất xứ khách du lịch. Sự an toàn sẽ là mối quan tâm hàng đầu, và các chính phủ có thể không loại trừ hạn chế du khách theo quốc tịch.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục