Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Nhiều vướng mắc gây khó phát triển nhà ở xã hội
HoREA nhận định một số quy định mới của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) phù hợp với thực tiễn sẽ tạo điều kiện để phát triển nhà ở xã hội và đáp ứng nhu cầu nhà ở của các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội.
Trong đó, HoREA tán thành Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã không còn bắt buộc chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại từ 10 ha (hoặc từ 2 ha) trở lên tại các đô thị từ loại 3 (hoặc từ loại 1) trở lên phải dành 20% diện tích đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Bởi vì, HoREA cho rằng không phải dự án nhà ở thương mại nào cũng phù hợp để dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, nhất là tại các dự án nhà ở thương mại cao cấp.
HoREA nhận thấy, bên cạnh việc Nhà nước kiểm soát chặt chẽ giá thành, giá bán nhà ở xã hội thì chính sách quan trọng nhất, thiết thực nhất đối với người mua, thuê mua nhà ở xã hội là được "hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi dài hạn tối đa không quá 25 năm". Về lâu dài khi nền kinh tế nước ta hùng mạnh hơn thì có thể kéo dài thời hạn vay ưu đãi đến 30 năm như một số nước đang thực hiện.
Quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trích 10% tiền sử dụng đất thu từ dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn bổ sung vào một khoản mục riêng trong quỹ đầu tư phát triển của địa phương, để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết nối giao thông của dự án. Đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn theo quy định của Chính phủ và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê. Quy định đối với quy định trích 10% tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất, HoREA nhận định phù hợp với thực tiễn.
Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn còn một số hạn chế, bất cập, chưa thật phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư của Đảng để phát triển nhà ở xã hội hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta.
Cụ thể, Điều 43 và Điều 81 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) không còn quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại góp phần thực hiện chính sách nhà ở xã hội, mà lại xác định trách nhiệm của Nhà nước, có thể nội dung này đã không đúng.
Tương tự, Điều 43 và Điều 81 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bỏ quy định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ, thì ngân sách Nhà nước sẽ không còn được bổ sung nguồn vốn xã hội hóa từ các dự án nhà ở thương mại để góp phần cùng Nhà nước phát triển nhà ở xã hội.
HoREA đánh giá nếu bỏ quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ thì khó có thể thực hiện được mục tiêu đến năm 2025 phát triển 570.000 căn nhà ở xã hội. Đến năm 2030 phát triển 1 triệu căn và sẽ làm cho "giấc mơ" của đông đảo người dân thu nhập thấp đô thị, công nhân, lao động, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang muốn được mua, thuê mua nhà ở xã hội ngày càng xa vời.