Đưa nông sản lên sàn - sáng kiến vượt khó Covid-19 (bài 4): “Liều thuốc” hay cứu nhiều HTX

Thu Hà Thứ năm, ngày 19/08/2021 16:14 PM (GMT+7)
Thay vì cách sản xuất và bán hàng truyền thống nhỏ lẻ, nhiều nông dân, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp bắt đầu quen với việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử để bán với số lượng lớn và giá tốt hơn. Nhờ cách làm nay, không ít nông dân, HTX đã tồn tại được trong giai đoạn dịch Covid-19.
Bình luận 0

Livestream bán hàng chục tấn nhãn lồng

Buổi livestream bán nhãn trên trang Facebook Viettel Post Hưng Yên của ông Bùi Xuân Tám - Giám đốc HTX sản xuất nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam (TP.Hưng Yên) thu hút hàng trăm người xem, rất nhiều khách hàng đặt mua nhãn trực tuyến.

Đại diện cho các hộ trồng nhãn trong HTX, ông Tám giới thiệu các giống nhãn, quy trình trồng, chăm sóc, hướng dẫn khách hàng cách phân biệt nhãn lồng Hưng Yên, đồng thời kêu gọi mọi người đặt hàng trực tuyến hỗ trợ nông dân. Kết quả mỗi buổi livestream đã có hàng tạ nhãn được tiêu thụ.

Ông Tám cho biết: "HTX sản xuất nhãn lồng Nễ Châu hiện có 26 thành viên với diện tích trồng nhãn 50ha; sản lượng quả năm nay đạt 150 - 200 tấn. Ngoài các kênh tiêu thụ truyền thống, năm nay, nhãn của HTX được bán trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Voso.vn và Facebook, Zalo. Đến nay chúng tôi đã bán hàng nghìn đơn hàng, tiêu thụ được trên 10 tấn nhãn qua kênh TMĐT".

Đưa nông sản lên sàn - sáng kiến vượt khó Covid-19 (bài 4): “Liều thuốc” hay cứu nhiều HTX   - Ảnh 1.

Một buổi livestream bán nhãn lồng trực tuyến của nhà vườn ở xã Hồng Nam (TP.Hưng Yên). Ảnh: H.N.D

"Nhờ chủ động bán hàng trên các sàn TMĐT, livestream quảng bá và bán sản phẩm con đặc sản trên mạng xã hội, HTX không bị "chết lâm sàng". 6 tháng đầu năm, HTX có doanh thu 4 tỷ đồng".

Ông Trịnh Văn Tiến - Chủ tịch HĐQT HTX Nông sản và du lịch Tam Điệp (Ninh Bình)

Ông Vũ Văn Kiên - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên cho biết: Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người trồng nhãn, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ đặc sản nhãn lồng Hưng Yên theo một hình thức hoàn toàn mới trên môi trường số. 

"Thông qua các sàn TMĐT này, Hội Nông dân Hưng Yên đã kết nối hỗ trợ nông dân tiêu thụ 60-70 tấn nhãn lồng với giá dao động từ 28.000-30.000 đồng/kg" - ông Kiên cho biết.

Là 1 trong những đơn vị hợp tác với Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đưa nhãn lồng lên sàn, ông Phan Thăng Long - Giám đốc Chi nhánh Bưu chính Viettel Hưng Yên cho biết: Sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên đã được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng từ giữa tháng 6 trên sàn TMĐT Voso.vn. Viettel Post Hưng Yên đã phối hợp Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên và các HTX, chủ nhà vườn để quảng bá đặc sản Hưng Yên. Viettel Post cử đội ngũ cán bộ xuống trực tiếp nhà vườn, HTX hỗ trợ nông dân đăng sản phẩm lên sàn, tổ chức livestream để quảng bá sản phẩm.

Ông Long cho biết thêm: Đối với các đơn đặt nhãn vào buổi sáng sẽ được nông dân thu hái vào buổi chiều và giao hàng ngay sáng hôm sau; đơn đặt hàng buổi chiều sẽ được thu hái vào sáng hôm sau và giao hàng sau 12 - 24 giờ. Những chùm nhãn sau khi thu hoạch được đóng vào hộp giấy hoặc thùng xốp để vận chuyển. Khách hàng ở các tỉnh, thành phố phía Bắc khi đặt mua đơn hàng 5kg nhãn lồng Hưng Yên chỉ mất 15.000 đồng cước phí vận chuyển.

Đẩy mạnh giao thương trực tuyến

Ông Trịnh Văn Tiến - Chủ tịch HĐQT HTX Nông sản và du lịch Tam Điệp (Ninh Bình) cho biết: "Trong 2 năm 2020-2021, dịch Covid-19 bùng phát, khiến việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trong nước và xuất khẩu bị ảnh hưởng. HTX chúng tôi cũng không ngoại lệ, kể cả toàn nuôi con đặc sản. Tuy nhiên, nếu như năm 2020 còn lúng túng thì năm 2021 trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 này chúng tôi đã chủ động tìm cách thích ứng với diễn biến của dịch bệnh để duy trì sản xuất".

Cùng với các chuỗi cửa hàng ở Ninh Bình, HTX còn mở thêm 3 cửa hàng ở TP.Hà Nội. HTX đẩy mạnh chuyển sang chế biến sâu và chế biến sẵn các sản phẩm nông sản, đặc biệt là các sản phẩm từ thịt con đặc sản. HTX Nông sản và du lịch Tam Điệp cũng chủ động bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, livestream quảng bá và bán sản phẩm thịt con đặc sản trên mạng xã hội... 

Nhờ đó hoạt động HTX không bị "chết lâm sàng". Sản phẩm nông sản đặc sản của HTX vẫn được tiêu thụ ổn định. 6 tháng đầu năm nay, HTX có doanh thu 4 tỷ đồng, trừ chi phí HTX vẫn có lãi.

Dù mới lên sàn giao dịch TMĐT Postmart quốc gia, số lượng đơn đặt hàng sản phẩm chè xanh Ngọc Thúy của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh ở xã Mỹ Bằng (Yên Sơn, Tuyên Quang) ngày một nhiều. 

 Ông Nguyễn Công Sử - Giám đốc HTX phấn khởi cho biết: "Chỉ trong 2 ngày đầu lên sàn giao dịch điện tử, HTX đã nhận được 15 đơn đặt hàng với số lượng từ 2 - 3kg/đơn, thậm chí có đơn lên đến 5kg".

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nông sản của nông dân các tỉnh, thành gặp không ít khó khăn về tiêu thụ. Trước tình hình đó, Hội Nông dân các cấp ở nhiều tỉnh thành đã trực tiếp kết nối và tiêu thụ được 150.000 tấn nông sản, trong đó có hàng nghìn tấn nông sản được kết nối thông qua các sàn TMĐT.

 Ông Trương Xuân Quý - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (T.Ư Hội NDVN) cho biết: Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn đã phối hợp Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và một số doanh nghiệp ký kết chương trình phối hợp và triển khai hoạt động, trong đó có việc hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn TMĐT. 

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem