Đưa nông sản lên sàn - sáng kiến vượt khó Covid-19 (bài 5): Vượt qua những “nỗi sợ”

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 20/08/2021 14:50 PM (GMT+7)
Chủ động phương án kinh doanh, chuyển hướng tiếp cận khách hàng bằng cách đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) là cách làm hiệu quả của nhiều doanh nghiệp cung ứng nông sản trên địa bàn TP.Hà Nội hiện nay. Nhờ đó, có đơn vị đã thông báo doanh thu tăng lên gấp 10 lần.
Bình luận 0

Chủ động phương án trong điều kiện dịch bệnh

Công ty CP Ubofood là một trong những đơn vị tiên phong trong việc áp dụng phương thức bán hàng qua sàn TMĐT. Hiện nay, Ubofood cung cấp các thực phẩm đặc sản vùng miền, thực phẩm tươi sống như: thịt lợn sinh học, thịt gà, thịt bò, rau củ quả, sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng gia cầm, gạo và thực phẩm khô…

Ngay từ khi được thành lập tháng 4/2019, Ubofood đã định hướng bán hàng 100% trên sàn TMĐT. 

Ông Đỗ Hoàng Thạch - Giám đốc điều hành công ty cho biết, Ubofood là hệ thống cung cấp thực phẩm online trên nền tảng công nghệ 4.0 kết nối trực tiếp từ người tiêu dùng đến nhà sản xuất. 

Tất cả sản phẩm được thực hiện theo quy trình khép kín từ khâu chọn nguyên liệu đầu vào, giống vật nuôi, thức ăn, cơ sở vật chất đến khâu giết mổ, chế biến dưới sự giám sát của các đơn vị chức năng.

Đưa nông sản lên sàn - sáng kiến vượt khó Covid-19 (bài 5): Vượt qua những “nỗi sợ” - Ảnh 1.

Nhân viên shipper của Ubofood giao hàng đến người tiêu dùng. Ảnh: Minh Ngọc

"Để hỗ trợ việc sản xuất, tiêu thụ nông sản, TP.Hà Nội đang nỗ lực triển khai hình thức bán nông sản bằng hình thức online, livestream để tránh việc đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn".

Ông Nguyễn Văn Chí -

Phó Chánh Văn phòng thường trực

Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội

Theo ông Thạch, Ubofood triển khai app bán hàng đã được hơn 2 năm, cách vận hành bán hàng qua 2 kênh app và web. Khách đặt hàng trước 20 giờ mỗi ngày, công ty xử lý đơn, giao hàng tới điểm giao dịch (Pos) hoặc giao tận nhà từ 9 - 11 giờ ngày hôm sau.

"Giai đoạn đầu đơn vị hoạt động rất khó khăn bởi người dân ngại chuyện phải tải app. Mặt khác, thói quen của người tiêu dùng là đi chợ truyền thống, thích tự tay lựa chọn thực phẩm. Nhưng từ khi có dịch Covid - 19 thói quen tiêu dùng của dân thay đổi hẳn, nhiều người đã tự tìm hiểu rồi tải app. Thêm vào đó, công ty đã chủ động quảng bá trên Facebook, page hay tuyên truyền qua các cộng tác viên nên tổng lượng người tải app đã đạt con số vài chục ngàn" - ông Thạch chia sẻ.

Để đảm bảo an toàn cho nhân viên giao hàng và khách hàng trước dịch Covid-19, toàn bộ đội ngũ shipper đều là nhân viên giao hàng của Ubofood được tiêm phòng vaccine Covid-19 đầy đủ và 3 ngày lại tiến hành test nhanh một lần. 

Nhiều điểm bà con sản xuất không chủ động giao được hàng, công ty đều phải tăng cường xe chuyển chở trực tiếp xuống nơi vận chuyển hàng để kịp thời phục vụ cho người tiêu dùng và tránh tình trạng đớt gãy chuỗi cung ứng.

Hiện nay, Ubofood phân phối gần 50 loại sản phẩm trên địa bàn TP.Hà Nội, điển hình như thịt lợn sinh học A-Z của HTX Hoàng Long đạt OCOP 4 sao, mỳ miến của Công ty Thực phẩm Minh Dương đạt OCOP 4 sao, xạ đen của Công ty CP MD Queens đạt OCOP 4 sao...

Theo ông Thạch, với việc chủ động các phương án bán hàng qua sàn TMĐT để thích ứng trước dịch Covid-19, trong 1 tháng trở lại đây nhu cầu mua thực phẩm qua hình thức online tăng cao, doanh thu của Ubofood tăng khoảng 10 lần so với những tháng trước đó.

Đào tạo doanh nghiệp, nông dân bán online

Mới đây, Văn phòng Điều phối xây dựng chương trình NTM Hà Nội đã tổ chức khóa đào tạo miễn phí về bán hàng nông sản bằng hình thức online, livestream cho các đơn vị kinh doanh nhỏ và nông dân.

Theo ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội, không phải ai bán hàng online cũng thành công, do không có kinh nghiệm và không được đào tạo bài bản nên doanh thu của nhiều đơn vị đã sụt giảm.

 Chính bởi vậy, việc đào tạo cho các đơn vị kinh doanh, nông dân bán hàng nông sản bằng hình thức online, livestream là rất cần thiết.

Bà Trịnh Kim Thư - Giám đốc Công ty CP MD Queens (đơn vị tham gia khóa đào tạo) chia sẻ: "Bản thân rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang bán hàng theo cách truyền thống, nên việc thay đổi tư duy kinh doanh sang bán hàng online thật sự khó khăn. Tuy nhiên, để thích ứng trong điều kiện dịch Covid-19 thì các đơn vị cần chuyển đổi phương thức bán hàng sao cho phù hợp".

Tham gia khóa đào tạo, các đơn vị, nông dân sẽ được hướng dẫn cách quay hình giới thiệu sản phẩm như thế nào, xây dựng kịch bản bán hàng online ra sao, hay cách để xây dựng thương hiệu trên mạng xã hội...

Đánh giá hiệu quả về hình thức bán hàng online, livestream, ông Nguyễn Thành Trung - nhà sáng lập Viên Nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN cho biết, khi tham gia bán hàng trên không gian "ảo", chủ thể đã vượt qua "nỗi sợ", tự tin quay video về bản thân cùng sản phẩm để livestream.

Ông Trung cho rằng, với hình thức bán hàng mới này, các đơn vị kinh doanh, đặc biệt là nông dân có thể chủ động kết nối tiêu thụ nông sản đến trực tiếp người tiêu dùng mà không cần phải qua khâu "trung gian" nào. Điều này làm giảm các chi phí, tránh được việc thương lái ép giá. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem