Dưới thời Kusto, Coteccons ghi nhận quý thứ 3 liên tiếp sụt giảm mạnh cả doanh thu và lợi nhuận
CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 với doanh thu thuần hơn 2.550 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Trong đó, phần sụt giảm nhiều nhất đến từ doanh thu hợp đồng xây dựng khi chỉ đạt 2.547 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 3.966 tỷ đồng.
Giá vốn bán hàng neo ở mức cao khiến doanh nghiệp lãi gộp 135 tỷ đồng, giảm 45%. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 6,1% về còn 5,2%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm 23% về mức 47 tỷ đồng, do tiền tiền lãi gửi ngân hàng giảm 18 tỷ về còn 43 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, năm 2021 là năm đầu tiên kể từ khi CTD về tay Kusto bắt đầu sử dụng đòn bẩy tài chính, theo đó phát sinh chi phí lãi vay quý II là 173 triệu đồng. Tính luôn 6 tháng năm 2021, CTD đã phải trả gần 1 tỷ đồng tiền lãi vay.
Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đến 73%, lên ngưỡng 122 tỷ đồng. Phía CTD cho biết, do trong năm 2021 Tập đoàn thực hiện trích dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi. Ngoài ra Tập đoàn còn phải trích trước chi phí phải trả cho cán bộ nhân viên tương ứng với các khoản lương bổ sung và các khoản thưởng sẽ chi vào cuối năm theo thực tế thời điểm phát sinh so với trước đây.
Bên cạnh đó, CTD còn ghi nhận hơn 7 tỷ đồng đến từ hoàn nhập dự phòng bảo hành công trình. Kết thúc quý II/2021, CTD báo lãi ròng đạt 45 tỷ đồng, giảm 72% so với 1 năm trước đó.
Tính đến ngày 30/6/2021, CTD ghi nhận 5.118 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 32% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế 99 tỷ đồng, giảm 65%. Với kết quả nói trên, CTD mới chỉ hoàn thành 29% chỉ tiêu doanh thu và kế hoạch lợi nhuận năm 2021.
Như vậy, đây là quý thứ 3 liên tiếp doanh thu và lợi nhuận của CTD sụt giảm so với cùng kỳ kể từ khi nhóm chủ Kusto lên nắm quyền kiểm soát CTD từ tháng 10/2020. Dưới thời Kusto, Coteccons liên tục nhấn mạnh về định hướng tái cấu trúc kinh doanh, nắm bắt xu thế mới giảm tỷ trọng ngành xây dựng cũng như phát triển CTD đa ngành.
Tính tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản CTD có 13.576 tỷ đồng, giảm gần 600 tỷ đồng so với đầu năm 2021. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 53% về ngưỡng 652 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp ghi nhận 102 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn trong khi cùng kỳ không có, tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có thời hạn gốc trên 3 tháng và không không quá một năm tăng 47% lên mức 2.913 tỷ đồng.
Doanh nghiệp có 5.230 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 528 tỷ đồng sau 6 tháng. Chiếm phần lớn là các khoản nợ ngắn hạn với 5.225 tỷ đồng.