Đường nhập khẩu khối lượng “khủng” tiếp tục gây họa cho ngành mía đường

Thanh Phong Thứ tư, ngày 15/09/2021 18:17 PM (GMT+7)
Số liệu từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho thấy, trong 7 tháng đầu năm lượng đường nhập khẩu ở mức 916.764 tấn. Theo đó, con số này lớn hơn sản lượng cả vụ sản xuất 2020/2021 của ngành đường Việt Nam
Bình luận 0

Theo thông tin từ VSSA, trong tháng 8/2021, tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp nhưng tại các tỉnh biên giới Tây Nam Bộ, đường cát nhập lậu vẫn được tuồn vào nội địa với khối lượng lớn.

Điển hình, ngày 5/8 lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Thừa Thiên Huế đã phát hiện 2 tấn đường kính trắng đựng trong các bao tải, đều do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ.

Tại Quảng Trị, ngày 22/7 trong lúc đang thi hành nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chống buôn lậu trong địa bàn hoạt động hải quan, Tổ tuần tra - Đội Kiểm soát Hải quan tỉnh Quảng Trị qua khám phương tiện ô tô tải biển kiểm soát số 75C-036.19, đã phát hiện 2,5 tấn đường trắng không có chứng từ hợp pháp. Ngày 9/8, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị tiếp tục phát hiện, bắt giữ, xử lý vụ vận chuyển 3,5 tấn đường kính trắng, 50 kg/bao, ghi do Thái Lan sản xuất.

Đường nhập khẩu khối lượng “khủng” tiếp tục "gây họa" cho ngành mía đường - Ảnh 1.

Lượng đường nhập khẩu trong 7 tháng 2021 cao đột biến khiến ngành mía đường trong nước chịu nhiều thiệt hại. (Ảnh: TTXVN)

Tại TP. Hồ Chí Minh, vừa qua, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và thu giữ hơn 140 tấn đường cát không rõ nguồn gốc với tổng trị giá lô hàng khoảng hơn 2 tỷ đồng, được chở trên 3 xe tải và container khi các phương tiện đang đậu ở quận Bình Tân và huyện Hóc Môn.

"Đối chiếu số liệu nhập khẩu đường từ Campuchia vào Việt Nam (của Tổng cục Hải quan) và số liệu nhập khẩu đường Thái Lan vào Campuchia (của OCSB Thái Lan) trong cùng thời gian sẽ thấy có chênh lệch lớn. Một điều chắc chắn là Campuchia nhập khẩu đường Thái Lan không để tiêu dùng trong nước mà chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu vào Việt Nam (chính ngạch và nhập lậu)", đại diện VSSA cho hay.

Đáng chú ý, theo số liệu từ VSSA, vụ sản xuất mía đường 2020/2021 đã kết thúc với sản lượng đường 689.830 tấn đường thấp hơn sản lượng 763,931 tấn đường của vụ trước.

Tuy nhiên số liệu của tổng cục Hải quan cho thấy, lượng đường nhập khẩu chỉ trong 7 tháng 916.764 tấn đã lớn hơn sản lượng cả vụ sản xuất 2020/2021 của ngành đường Việt Nam.

"Các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu hoàn toàn làm chủ thị trường và do giá đường thế giới đang ở mức cao nhất trong 4 năm gần đây, cộng với chi phí vận chuyển quốc tế tăng đột biến, giá đường trong nước đã tăng trong tháng 8 và tiếp cận với giá đường các nước trong khu vực", đại diện VSSA thông tin.

Trước những thiệt hại do đường nhập khẩu gây ra, ngày 25/8, VSSA và đại diện 6 công ty sản xuất đường mía trong nước hồ sơ yêu cầu điều tra phòng vệ thương mại tới Bộ Công Thương.

Nhận định về vụ việc trên, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, theo Luật Quản lý ngoại thương Việt Nam và quy định trong WTO, khi thấy có hiện tượng vi phạm về phòng vệ thương mại, đại diện các nhà sản xuất trong nước sẽ chuẩn bị hồ sơ để kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các quy trình điều tra.

Trong đó, ngoài việc phản ánh hiện tượng, các nhà sản xuất trong nước còn phải thu thập đầy đủ nội dung, chứng cứ về mức độ thiệt hại. Nguyên đơn trong vụ việc phải đảm bảo tính đại diện của một ngành sản xuất và người đứng đơn phải đạt trên 50% tỷ lệ ủng hộ.

"Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh của VSSA, Cục Phòng vệ thương mại cũng đã hướng dẫn Hiệp hội lấy ý kiến của các thành viên, tổng hợp số liệu về tình hình sản xuất, tiêu thụ của ngành và gửi mẫu hồ sơ để VSSA hoàn thiện những thông tin chi tiết. Sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan quản lý nhà nước xem xét và thông báo công khai cho các quốc gia có lượng đường xuất khẩu gia tăng theo phản ánh của Hiệp hội", ông Dũng cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem