Đường sắt Cát Linh - Hà Đông 8 lần lỡ hẹn thành khối bê tông "khổng lồ"?
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc sử dụng vốn dẫn tới dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn, đã 8 lần lỡ hẹn nhưng đến khi nào dự án đi vào vận hành thương mại vẫn đang là câu hỏi mà chủ đầu tư (Bộ GTVT) và đơn vị tiếp nhận, vận hành (Công ty Metro Hà Nội) đều chưa có câu trả lời.
Lỡ hẹn
Trước khi được đầu tư xây dựng, dự kiến, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoàn thành vào tháng 6/2015, nhưng đã vượt mốc thời gian hoàn thành quá 4 năm nay, dự án vẫn chỉ là những khối bê tông nằm hiên ngang giữa đường Nguyễn Trãi – Trần Phú dầm mưa dãi nắng.
Từ đầu năm 2019 đến nay, dự án đã nhiều lần chạy thử vận hành để kiểm tra liên động kỹ thuật nhưng rồi cũng đã 2 lần lỡ hẹn với lời hứa đưa vào khai thác thương mại. Đơn vị tiếp quản, vận hành tuyến là Cty TNHH đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) đã chuẩn bị trên 600 nhân lực để vận hành nhưng đến nay các đoàn tàu vẫn nằm phơi nắng mưa tại depo.
Kể từ khi được khởi công xây dựng vào thành 10/2011, đến nay dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã 8 lẫn lỡ hẹn chính thức vận hành khai thác. Theo kế hoạch ban đầu, dự kiến chạy thử và khai thác từ 30/6/2015, nhưng do chậm tiến độ phải lùi đến tháng 7/2015.
Đến thời tháng 7/2015, dự án mới đạt chưa đầy 50% khối lượng và tiến tục lùi tiến độ tới 30/6/2016. Sau đó, đến tháng 6/2016, dự án tiếp lỡ hẹn vì thi công nhỏ giọt và lùi tới cuối quý 2/2017 sẽ vận hành chính thức. Tuy nhiên, tổng thầu EPC một lần nữa thất hứa và xin lùi đến đầu năm 2018.
Đầu năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng "chốt" tiến độ trong quý 4; thời gian vận hành, chạy thử và thực hiện các công việc khác từ 3 đến 6 tháng. Tháng 9/2018, dự án chạy thử nghiệm và dự kiến cuối năm 2018 vận hành. Thế nhưng, dự án tiếp tục "nằm im bất động, lãnh đạo Bộ GTVT tiếp tục đặt mốc vận hành vào tháng 4/2019, đến nay dự án vẫn chưa rõ ngày chính thức vận hành.
Trong khi dự án chưa xử lý hết những phần việc còn lại thì KTNN chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh tăng vốn và ký kết hợp đồng dự án… Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng, tăng 205% so với tổng vốn đầu tư ban đầu được duyệt.
Đặc biệt, khi quyết định điều chỉnh tăng vốn dự án vào tháng 2/2016, Bộ GTVT không báo cáo Thủ tướng để trình Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh vốn là chưa thực hiện đúng Nghị quyết 49 của Quốc hội, trái với quy định của Luật Đầu tư công. Cụ thể, dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương và Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đầu tư.
Chờ đợi
Về tài chính của dự án đến ngày 30/6/2018, số vốn đầu tư vào đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông theo báo cáo của chủ đầu tư khoảng 11.337 tỷ đồng nhưng kết quả kiểm toán chỉ ghi nhận khoảng 8.679 tỷ đồng đã đầu tư vào dự án. Số chênh lệch khoảng 2.656 tỷ đồng do chủ đầu tư tính sai khối lượng 360 triệu đồng, sai đơn giá 175 tỷ đồng, sai khác 698 tỷ đồng, chưa đủ điều kiện quyết toán 1.781 tỷ đồng...
Theo tìm hiểu của PV, đến nay dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng công việc và chỉ còn lại 1% khối lượng công việc liên quan đến thủ tục kỹ thuật, hoàn thiện trang trí nhà ga chưa hoàn thành; riêng hệ thống đường ray, các đoàn tàu đã sẵn sàng cho việc hoạt động thương mại nhưng để tàu chạy chở khách thì chưa biết khi nào.
Lý do chưa thể vận hành là do 1% khối lượng công việc chưa hoàn thành đã làm ảnh hưởng tới 99% khối lượng công việc đã hoàn thành. Đáng chú ý, công tác nghiệm thu, đánh giá chất lượng và an toàn kỹ thuật vẫn chưa được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước (HĐNTNN) kết luận. Nguyên nhân là do dự án chưa có sơ đồ hoàn công tổng thể, chưa có hồ sơ kỹ thuật vận hành nên chưa có cơ sở nghiệm thu.
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), nguyên nhân dự án chậm tiến độ do nhà thầu chưa hoàn thành một số hồ sơ kỹ thuật liên quan đến công tác vận hành nên tuyến chưa thể đưa vào khai thác thương mại.
Trước khi vận hành chính thức phải có đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, được thực hiện độc lập bởi liên danh nhà thầu quốc tế Apave-Certifier-Tricc (Pháp) và được Cục Đăng kiểm cấp chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật. Sau đó, dự án còn phải được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, đánh giá tổng thể lần cuối.