Đường sắt đô thị sẽ được chứng nhận an toàn trong năm 2021 ra sao?

26/12/2020 15:31 GMT+7
Bộ GTVT đã ban hành thông tư 32/2020 về chứng nhận an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị.

Hiện toàn quốc có 3 dự án đường sắt đô thị đang trong thời gian triển khai và dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2021: tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội (Hà Nội) và Bến Thành - Suối Tiên (TP HCM).

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang được tiến hành chạy thử 20 ngày để đánh giá an toàn, chuẩn bị mọi công đoạn cuối cùng nhằm sẵn sàng khai thác thương mại vào quý 1/2021.

Đường sắt đô thị sẽ được chứng nhận an toàn trong năm 2021 ra sao? - Ảnh 1.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang vận hành thử.

Quá trình vận hành, đơn vị quản lý dự án phối hợp với Tổng thầu Trung Quốc và Tư vấn Pháp chạy toàn bộ 13 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông để có những đánh giá khách quan, minh bạch phục vụ công tác nghiệm thu, bàn giao trước khi chính thức khai thác thương mại.

Bên cạnh việc tàu Cát Linh - Hà Đông chạy thử đánh giá an toàn, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cũng xây dựng bảng lương và đến nay đã được UBND TP Hà Nội thông qua với Tổng số lao động vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông là 681 người và 112 chức danh.

Bộ GTVT ban hành Thông tư số 32/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 31/2018 quy định về thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị, có hiệu lực thi hành từ 29/1/2021. Đây cũng là cơ sở để đánh giá các tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, tuyến đường sắt Metro số 1, còn đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được đánh giá ra sao vẫn đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Theo Thông tư số 32/2020, Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì thực hiện thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống đường sắt đô thị khi xây dựng mới và nâng cấp; thẩm định báo cáo đánh giá an toàn do Tổ chức chứng nhận lập.

Đường sắt đô thị sẽ được chứng nhận an toàn trong năm 2021 ra sao? - Ảnh 2.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ phải đánh giá an toàn.

Bên cạnh đó, liên quan đối với các nội dung về hệ thống thông tin - tín hiệu trên phương tiện và trên đường; hệ thống cung cấp điện sức kéo, cửa chắn ke ga (nếu có); đánh giá tích hợp hệ thống, đánh giá thử nghiệm vận hành, chạy thử hệ thống, đánh giá hệ thống quản lý an toàn vận hành; rủi ro phương án sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp, trên cầu cạn, trong đường hầm, nhà ga.

Cục Đường sắt Việt Nam  là cơ quan cấp Giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị xây dựng mới, đường sắt đô thị nâng cấp.

Đáng lưu ý, Cục Đăng kiểm Việt Nam không cấp Giấy chứng nhận an toàn hệ thống mà chỉ thực hiện thẩm định báo cáo đánh giá an toàn của Tổ chức chứng nhận đối với nội dung liên quan đến phương tiện đường sắt đô thị.

Ngoài ra, Thông tu số 32/2020 còn nêu rõ, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thực hiện thẩm định liên quan đến phương án thiết kế cầu cạn, đường, đường hầm; công trình, thiết bị kiểm soát khói. Chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị có trách nhiệm lựa chọn Tổ chức chứng nhận có đủ điều kiện năng lực thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống cho tuyến đường sắt đô thị.

Về quản lý an toàn trong thời gian vận hành, Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị phải xây dựng và duy trì hệ thống quản lý an toàn và được Cục Đường sắt Việt Nam kiểm tra, chứng nhận định kỳ trong quá trình khai thác.

Dự án đường sắt đô thị có hợp đồng xây dựng được ký trước ngày Luật Đường sắt có hiệu lực (1/7/2018) thì không thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống.

Trường hợp Chủ đầu tư có ký kết hợp đồng đánh giá, chứng nhận hệ thống thì thực hiện theo quy định của hợp đồng nhưng không thực hiện thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống. Đối với dự án có hợp đồng xây dựng được ký sau ngày 1/7/2018 thì thực hiện theo thông tư.


Thế Anh
Cùng chuyên mục