EVFTA “giải cơn khát vốn” cho các ngân hàng nhưng tiềm ẩn nguy cơ bị thôn tính
Báo cáo phân tích liên quan đến Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và những cơ hội, thách thức mở ra với ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam vừa được TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV công bố đã đưa ra nhận định: EVFTA dự kiến chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 có ý nghĩa hơn trong bối cảnh "bình thường mới" hậu Covid-19 cho nền kinh tế Việt Nam. Riêng lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức.
EVFTA "giải cơn khát vốn" cho các ngân hàng
Về thuận lợi, trong cam kết mở cửa thị trường tài chính-ngân hàng có 3 cam kết tác động trực tiếp.
Đầu tiên là quy định "trong vòng 5 năm đầu sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét cho phép các tổ chức tín dụng EU mua đến 49% cổ phần của 2 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam (hiện nay tối đa là 30%), ngoại trừ 4 ngân hàng thương mại có sở hữu Nhà nước là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank".
Với thời gian thực thi không dài, cùng xu hướng thoái vốn của các đối tác nước ngoài (nhất là châu Âu) gần đây, trong ngắn hạn, quy định này dự báo tác động không nhiều đến dòng vốn của EU vào thị trường ngân hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, điều này cũng mở ra cơ hội cho các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng đang "khát" vốn chủ sở hữu, đáp ứng chuẩn Basel II. Khi có sự tham gia của các đối tác chiến lược EU, các ngân hàng trong nước sẽ được tiếp cận bộ máy quản trị và công nghệ, các sản phẩm tài chính-ngân hàng hiện đại.
Với cam kết về "mở cửa thị trường với các dịch vụ tài chính mới" và "cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tài chính EU chuyển thông tin ra/vào Việt Nam, cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tài chính EU thành lập tại Việt Nam tiếp cận dịch vụ thanh toán, bù trừ, các phương thức tài trợ và tái cấp vốn có sẵn (được hiểu là các phương thức huy động vốn thông thường trên thị trường như phát hành trái phiếu, vay vốn từ các ngân hàng thương mại, vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước.
Theo nhóm nghiên cứu, điều khoản này dự kiến tác động mạnh và trực tiếp đến lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) và tiền di động (Mobile Money), dịch vụ tài chính mới đang được quản lý bằng các văn bản pháp luật hiện có của Việt Nam. Đây cũng là động lực để các Fintech và ngân hàng Việt Nam đổi mới, phát triển nhanh hơn, đẩy nhanh tiến trình tài chính số và thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh hậu dịch Covid-19.
Về cam kết mở cửa đối với dịch vụ bảo hiểm, nhóm nghiên cứu cho rằng các cam kết trong EVFTA cũng giống như mức cam kết tại WTO và chỉ mở cửa thị trường thêm với dịch vụ môi giới bảo hiểm và tái bảo hiểm. Do đó, sẽ tác động không nhiều đến hoạt động bản hiểm gốc (bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ) tại thị trường trong nước.
Tuy nhiên, với xuất xứ lâu đời và phát triển tại các nước châu Âu, việc mở cửa hoạt động tái bảo hiểm đối với EU sẽ góp phần thúc đẩy tính cạnh tranh và sự phát triển của thị trường này tại Việt Nam.
Nguy cơ bị thôn tính từ EVFTA
Bên cạnh những thuận lợi, nhóm nghiên cứu của BIDV đánh giá EVFTA cũng đặt ra những thách thức đối với ngàng tài chính - ngân hàng Việt Nam.
Việc mở cửa thị trường sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ các tổ chức tài chính EU, nhất là các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, số hóa lớn. Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán di động, tiền kỹ thuật số... vốn đã phát triển mạnh tại châu Âu có thể trở thành xu hướng, phổ biến tại thị trường Việt Nam.
Yêu cầu của khách hàng đối với dịch vụ tài chính ngày càng cao, không dừng lại ở giá, mà cả sự đa dạng và chất lượng dịch vụ. Điều này đòi hỏi các tổ chức tài chính, các ngân hàng Việt Nam phải nhanh chóng chuyển mình, đổi mới, sáng tạo để thích ứng với biến đổi của thị trường.
Bên cạnh đó, các cam kết mới trong EVFTA cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tài chính EU được chuyển dữ liệu hoặc tiếp cận đầy đủ với hệ thống thanh toán, chuyển mạch tài chính Việt Nam; các yêu cầu ứng dụng công nghệ cao trong dịch vụ tài chính cũng đặt ra nhiều thách thức trong bảo mật thông tin, quản trị an ninh mạng và an toàn dữ liệu.
Việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng tiềm ẩn nhiều thách thức đối với ngành tài chính - ngân hàng trong nước. Đó là nguy cơ bị thôn tính, sáp nhập, nếu quản trị không tốt, không có biện pháp phòng ngừa; rủi ro pháp lý do kiện tụng, tranh chấp tăng lên. Luồng vốn vào-ra lớn khiến thị trường vốn trong nước có thể biến động mạnh khi có hành vi rút vốn nhanh.
Đồng thời là thách thức về việc các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp chưa nắm bắt, nhận thức được đầy đủ về các điều khoản cam kết, quyền lợi, trách nhiệm, cơ hội và thách thức từ Hiệp định thì rất khó có thể tận dụng được nhiều.
Thậm chí, rất có thể bỏ qua nhiều cơ hội, nhất là khi một số điều kiện, tiêu chuẩn hiện chưa được Việt Nam quan tâm đúng mức nhưng lại hết sức quan trọng với thị trường EU như vấn đề về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường…