EVN lỗ khủng, giá điện bán lẻ tăng bao nhiêu đủ bù lỗ?

An Linh Thứ ba, ngày 04/04/2023 16:49 PM (GMT+7)
Với giá thành sản xuất điện năm 2022 tăng 9,27%, tương ứng khoảng 172,36 đồng so với giá thành sản xuất 1kWh điện năm 2021, cộng với số lỗ lớn của EVN, trong năm 2023, áp lực tăng giá điện bán lẻ đang ngày một lớn.
Bình luận 0

EVN lỗ nặng, giá điện sẽ tăng bao nhiêu?

Theo đó, để đảm bảo hoà vốn chi phí sản xuất năm 2022 cho ngành điện, phương án tăng giá điện bán lẻ bình quân ít nhất cũng phải bằng hoặc hơn so với mức tăng trong giá thành sản xuất ra một kWh điện hiện nay là hơn 2.032,26 đồng/ kWh.

Mới đây Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), theo đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm 2021 là 419.031,80 tỷ đồng, năm 2022 là 493.265,30 tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.

EVN lỗ khủng, giá điện bán lẻ trước áp lực phải tăng trên 2.000 đồng/ kWh? - Ảnh 1.

Giá điện bán lẻ chịu áp lực rất lớn từ lỗ khủng của EVN, giá điện bán lẻ có thể tăng trên 2.000 đồng/ kWh sắp tới?

Theo Bộ Công Thương, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 của EVN tương ứng khoảng 1.859,90 đồng/ kWh, tăng hơn 33,68 đồng (tương ứng khoảng 1,84% so với giá thành sản xuất điện/kWh năm 2020 (1.826,22 đồng). Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% (tương ứng khoảng 172,36 đồng/ kWh) so với năm 2021. 

Đáng chú ý, các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN và các đơn vị thành viên).

Về doanh thu sản xuất và phân phối điện, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, hai năm liền 2021 và 2022, EVN đang chịu lỗ, trong đó năm 2021 lỗ hơn 975,31 tỷ đồng và năm 2022, lỗ hơn 36.294,15 tỷ đồng (sau khi trừ hơn 10.058,53 tỷ đồng tiền lãi kinh doah), lỗ năm 2022 của EVN liên quan đến sản xuất điện là hơn 26.235,78 tỷ đồng (tương ứng hơn 1,1 tỷ USD). Tổng lỗ 2 năm của EVN là hơn 27.211,09 tỷ đồng (tương đương 1.2 tỷ USD), áp lực ngày càng lớn nếu năm 2023 giá điện không được tăng.

Hiện, giá điện bán lẻ bình quân của Việt Nam vẫn giữ ở mức 1.864,44 đồng/ kWh trong gần 5 năm qua (từ tháng 3/2019), nếu tiếp tục giữ mức giá này cho EVN năm 2023, chắc chắn đơn vị này sẽ lâm vào lỗ lớn hơn nữa, ước tính gần 4 tỷ USD.

Đại diện Bộ Công Thương và EVN tại cuộc họp mới đây, các phương án tăng giá điện bán lẻ bình quân đã được đưa lên Chính phủ xem xét và quyết định, đại diện EVN cũng khẳng định chắc chắn sẽ phải tăng giá điện thời gian tới.

Vậy phương án tăng giá điện sẽ là bao nhiêu? Theo tính toán, năm 2019, khi Chính phủ cho tăng giá điện từ ngưỡng 1.721 đồng/ kWh (năm 2018) lên 1.864,44 đồng/ kWh (từ tháng 3/2019), giá điện bình quân tăng tương đương 8,36%. 

Tuy nhiên, năm 2019 giá thành sản xuất điện so với năm 2018 cũng chỉ tăng trên 7,03%, mức tăng này còn thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất năm 2022 so với năm 2021 (9,27%).

Nếu trường hợp giá điện bán lẻ bình quân năm 2023 tăng bằng với mức 8,36% của năm 2019 sau khi đã tính toán bù trừ các chi phí khác, điện bán lẻ năm sẽ tăng thêm 155,87/kWh, tương ứng mức giá bán lẻ bình quân năm 2023 dự đoán sẽ tăng trên 2.020,31 đồng/kWh. Tuy nhiên, nếu mức tăng 8,36%, giá điện bình quân bán lẻ vẫn thấp hơn so với giá thành sản xuất của năm 2022, EVN vẫn đối diện với nguy cơ lỗ.

Trường hợp, các nhà điều hành muốn tăng giá điện bán lẻ bình quân bán ra năm 2023 bằng với giá thành sản xuất năm 2022, mức giá bán lẻ điện bình quân sẽ phải tăng 167,82 đồng/kWh, tương ứng mức giá bán lẻ tăng từ 1.864,44 đồng lên 2.032,26 đồng/kWh.

Như vậy, mức tăng giá điện bán lẻ bình quân chỉ khoảng 9%. 

Nếu trường hợp giá điện bán lẻ bình quân được điều chỉnh tăng từ 8,36% đến 9% năm 2023, theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân của Thủ tướng, EVN được phép điều chỉnh tăng giá tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. 

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện. Sau khi thực hiện điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Trường hợp nếu giá điện tăng trên 10%, tương ứng trên 2.050,88 đồng/ kWh, EVN, Bộ Công Thương sẽ phải xin phép Thủ tướng đồng ý.

Thực tế, từ năm 2009 đến nay, chỉ có 2 lần giá điện được phép tăng trên 10%, đó là vào tháng 3/2009 giá điện tăng trên 11,54% so với tháng 3/2009 và tháng 3/2011, giá điện tăng hơn 17,39% so với cùng kỳ năm trước. Từ tháng 12/2011 cho đến hết tháng 3/2019, giá điện đã qua 7 lần điều chỉnh, nhưng chỉ được điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 9%.

Nhiều chuyên gia dự đoán, với tình hình khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, cộng với mực tiêu giữ lạm phát dưới 4,5%, chắc chắn phương án tăng giá điện sẽ được Chính phủ cân nhắc rất kỹ. Việc tăng giá điện trên 10% có thể sẽ cần cân nhắc kỹ càng trước khi tính toán và rất có thể con số tăng giá điện dưới 10% sẽ khả thi hơn, đảm bảo nhiều mục tiêu trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem